Thời Silla (57 TCN - 935), Hàn Quốc có một lực lượng quân sự đẹp như hoa, tên gọi là Hwarang.
Hwarang gồm những nam thanh niên điển trai, văn thao võ lược và cơ thể luôn thơm nức, đi đến đâu cũng khiến các thiếu nữ say mê cuồng nhiệt, giống hệt các ngôi sao K-pop thời nay.
Nửa cuối thời Silla, các Hwarang biểu lộ tài năng trên mọi phương diện và nắm bắt cơ hội thành danh. (Ảnh: Koreanhistory.info).
Hwarang có phiên âm Hán Việt là Hoa Lang, được ghép từ 2 từ hwa (hoa) và rang (lang - nam giới). Hàn Quốc chỉ có 3 tư liệu lịch sử nhắc tới Hwarang là “Tam quốc Sử ký” (Samguk Sagi, 1145), “Tam quốc Di sự” (Samguk Yusa, 1285) và “Tiểu sử Phật giáo” (Haedong Goseungjeon, 1215). Cả 3 cuốn sách này đều được viết sau thời Silla, nên độ tin cậy có thể không được cao.
Theo các tư liệu lịch sử kể trên, Hwarang có nguồn gốc là Wonhwa (Hoa nữ). Wonhwa có khả năng là nhóm mỹ nhân hoặc kỹ nữ được tập hợp với mục đích phục vụ triều đình. Nếu thời Joseon (1392 – 1910), phụ nữ Hàn Quốc chỉ là “cái bóng của đàn ông” thì ở thời Silla, họ nhiều khả năng được bình quyền.
Chí ít, trong thời đại này, Hàn Quốc cũng có đến 3 nữ vương trị vì là Nữ hoàng Seon Deok Yeo Dae (? - 647), Nữ hoàng Jin Deok Yeo (? - 654) và Nữ hoàng Jin Seong Yeo (? - 897).
“Tam quốc Sử ký” và “Tam quốc Di sự” viết, Wonhwa là nhóm những cô gái xinh đẹp, được tuyển chọn và dạy dỗ kỹ càng về lòng hiếu thảo, nghĩa khí, trung thành, chân thành. Đáng tiếc là nội bộ của nhóm sớm bị chia thành 2 phe, do 2 thủ lĩnh với tư tưởng đối lập nhau dẫn dắt.
Họ là Nammo - cô gái giỏi giang nhưng tính cách nóng vội, tàn độc, giết người không gớm tay và Junjeong – cô gái đức độ, phản đối giết người vì nhiệm vụ. Giữa 2 phe Nammo và Junjeong luôn xảy ra xung đột, cuối cùng khiến Wonhwa bị tan rã.
Hwarang kế thừa Wonhwa, là nhóm nam giới được tuyển lựa và đào tạo vì mục đích phục vụ cho triều đình. Đối tượng được tuyển vào Hwarang là những nam thanh thiếu niên xuất thân quý tộc, có phẩm chất đạo đức tốt. Sau khi được chọn vào Hwarang, tất cả đều đổi họ thành Hwarang và giữ nguyên tên.
Ban đầu, Hwarang chưa được thành lập vì mục đích quân sự. Do đó, các Hwarang không phải quân binh mà chỉ là những “chàng trai đẹp như hoa” theo đúng nghĩa đen. Nhờ gia cảnh giàu có, họ được ăn mặc sạch sẽ, sang trọng.
Vì rảnh rỗi, các Hwarang… chăm sóc da, tóc, trau chuốt ngoại hình. Họ am tường về mỹ phẩm còn hơn cả nữ giới và nhanh chóng trở thành những chàng trai thời thượng, dẫn đầu thời trang.
Ngoài diện mạo, các Hwarang còn quan tâm đến mùi cơ thể. Từ thuở xưa, người Hàn Quốc đã biết cách tận dụng các loại hoa, dược liệu… để làm nhang thơm, túi thơm… Quần áo của Hwarang luôn được hun nhang thơm, trên hông dắt túi thơm, nên cơ thể lúc nào cũng phảng phất hương hoa dễ chịu.
Phải đến cuối Giai đoạn Tam Quốc, các Hwarang mới được đào tạo để trở thành chiến binh. (Ảnh: Ancient-origins.net).
Tiến hóa liên tục
Theo cả 3 tư liệu lịch sử có nhắc tới Hwarang, ngoài giờ học, họ thường rủ nhau đến những nơi có cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, đặc biệt là các linh sơn (ngọn núi linh thiêng) và linh hà (dòng sông linh thiêng) để tụ tập, vui chơi, hát múa… Thời Silla, Hàn Quốc thịnh Phật giáo.
Một trong các hoạt động quan trọng của Hwarang là nghiên cứu tôn giáo. Chủ đề thường được các Hwarang cùng nhau đàm đạo là làm thế nào để dung hòa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo với nhau.
Phải đến Giai đoạn Tam Quốc (18 TCN – 660), khi Hàn Quốc liên tiếp xảy ra chiến tranh, các Hwarang mới được đào tạo võ thuật để trở thành các hiệp sĩ. Sư phụ của các Hwarang thường là các nhà sư. Họ phụ trách từ việc huấn luyện thể chất đến tư vấn tâm lý.
Võ thuật của các Hwarang nghiêng về tự vệ, vì đạo sư của họ đặt nặng tín niệm hành thiện tích đức. Trong thời gian được đào tạo, các Hwarang luôn theo chân sư phụ lên núi tu luyện hoặc đi thu thập quyên góp. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các nhà sư và bảo tiêu.
Mãi đến cuối Giai đoạn Tam Quốc, các Hwarang mới được nhà sư Won Gwang Beop Sa (541 – 630) giáo dục về lòng dũng cảm, yêu nước, trở thành những chiến binh xả thân vì danh dự của Vương quốc Silla.
Nhà sư Won Gwang luôn nhấn mạnh 3 yêu cầu đối với một Hwarang là khả năng tự vệ, tinh thần tự tin và thái độ tự kiểm. Ông cũng đề ra 5 nguyên tắc Hwarang là trung với chủ, hiếu với bậc sinh thành, nghĩa khí, dũng cảm, trân trọng sinh mạng.
Mặc dù thời Silla thịnh Phật giáo nhưng phải đến năm 527, đạo Phật mới được triều đình công nhận là quốc giáo. Hwarang được tái tổ chức dưới sự kiểm soát gắt gao từ cả triều đình lẫn tôn giáo, trở thành biểu tượng của sự hòa hợp giữa hoàng cung, quý tộc và nhà chùa.
Từ cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII trở đi, triều đình Silla đặc biệt quan tâm tới Hwarang. Các Hwarang có xuất thân từ gia đình quý tộc cấp cao được bổ nhiệm chức quan và giao trọng trách giám sát chính tổ chức.
Ban đầu, các Hwarang chỉ là những mỹ nam nhàn rỗi. (Ảnh: Morganparabola.files.wordpress.com)
Các Hwarang xuất thân gia đình quý tộc tầm trung, hiếm có cơ hội được ban chức tước, nhưng vẫn được đào tạo kiếm thuật, cưỡi ngựa và nhiều bộ môn khác. Nếu biểu hiện tốt trên chiến trường, họ được công nhận, ban thưởng và phong thành tướng.
Trong lịch sử gần 1.000 năm Silla, các Hwarang đã đi từ những chàng trai lượt là, phấn sáp lên thành những hiệp sĩ, chiến binh, tướng lĩnh, quan chức tài giỏi nhất. Dù là người cầm kiếm hay cầm bút, họ cũng đều không quên ăn mặc chỉn chu, quan tâm diện mạo và luôn xuất hiện trước công chúng với dáng vẻ mỹ nam hoàn hảo.
Những gì mà các biên kịch, đạo diễn Hàn Quốc ngày nay thiết lập cho nhân vật Hwarang trong phim ảnh có lẽ không hề ngoa. Với tài sắc vẹn toàn, họ quả thật không khác gì các thần tượng được muôn người ngưỡng mộ.