Một vệt sáng màu đỏ tươi như máu, gần như một vòng cung ma quỷ hay một dòng sông máu chảy qua bầu trời đã gây hoang mang cho nhiều người dân ở bán đảo Scandinavia. Các nhà khoa học khẳng định nó không phải cực quang.
Theo tờ Space, vệt sáng được mô tả như một dòng sông ánh sáng màu đỏ như máu, mờ ảo, trải dài suốt bầu trời đêm, có nơi nhìn thấy như một vòng cung giống cầu vòng nhưng chỉ có một màu.
Hiện tượng đã xuất hiện vào tuần trước, trùng hợp với cơn bão địa từ mạnh nhất trong 6 năm đổ bộ Trái đất. Phía Mỹ cũng xuất hiện ánh sáng hồng, được cho là loại cực quang lạ. Tuy nhiên phân tích mới khẳng định "dòng sông máu" quan sát từ Bắc Âu không phải cực quang.
Một phần của "dòng sông máu" hiện ra trên bầu trời Møns Klint, một tập hợp các vách đá vôi trên đảo Møn của Đan Mạch ở Biển Baltic - (Ảnh: Nhiếp ảnh gia thiên văn Ruslan Merzlyakov)
Theo phân tích của các nhà khoa học Spaceweather.com, hiện tượng bất thường này được gọi là "vòng cung đỏ cực quang ổn định" (SAR), và bất chấp cái tên - có thể được đặt với những nhận định sai lầm ban đầu dành cho dạng hiện tượng này - nó không phải là cực quang và chưa chắc ổn định.
"Dòng sông máu" ma quái là ánh sáng được phát ra bởi các phân tử oxy trong bầu khí quyển phía trên bị đốt nóng bởi hệ thống dòng điện vòng của Trái đất, một vòng dòng điện khổng lồ bao quanh hành tinh.
Bão địa từ xuất hiện và đã tạo ra cực quan thực. Trong thời gian cực quang này, các hạt năng lượng cao từ gió Mặt trời và quả cầu plasma mà nó tống vào từ quyển Trái đất kích thích các phân tử khí trong tầng khí quyển trên, gây ra một loại hiện tượng, bao gồm ánh sáng xoáy đủ màu do các loại nguyên tử khác nhau bị kích thích.
Đối với SAR, thứ bị kích thích là oxy, bị dòng điện vòng bao quanh từ quyển này đốt nóng, phát sáng như cực quang nhưng lại mang màu đỏ đáng sợ.
SAR được quan sát ở Bắc Âu - rõ ràng nhất từ phía Đan Mạch - không phải màn trình diễn ánh sáng bất thường duy nhất được thấy trong cơn bão khổng lồ vừa qua. Một hiện tượng giống như STEVE - một dải ánh sáng tím cũng không phải cực quang - cũng lơ lửng trên bầu trời Mỹ và Anh.