Mai táng “thân thiện môi trường” đang trở thành xu hướng!

  •  
  • 1.925

Bắt nguồn từ Mỹ, trào lưu “an táng xanh” đang dần thịnh hành tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã ra sức kêu gọi nhân rộng mô hình an táng này, còn các công ty tổ chức tang lễ cũng tìm thấy cơ hội làm ăn cho mình.

Mộ đào bằng tay, thi thể không ướp hóa chất…

Sau hai năm dài chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, ông Joseph Fitzgerald cuối cũng cùng phải rời khỏi thế gian “trở về với Chúa”. Trước khi ra đi, tâm nguyện của ông là muốn con cháu phải an táng mình theo cách tự nhiên nhất có thể, để cơ thể ông được gửi gắm hoàn toàn vào đất mẹ thiên nhiên.

Hai tháng sau, theo đúng di nguyện, thi thể ông Joseph Fitzgerald được chôn cất trong một khu đất trống giữa rừng sồi của nghĩa trang bảo tồn Prairie Creek ở một vùng nông thôn bang Florida. Ban đầu con cháu không biết phải làm sao để có thể hoàn thành mong muốn cuối cùng của người quá cố, nhưng sau đó họ cũng tìm ra được một dịch vụ mai táng đáp ứng được điều này.

“Mai táng xanh”, đây là khái niệm tương đối mới mẻ, nhưng nhiều người trên khắp nước Mỹ cũng như một số nước phương Tây khác đã bắt đầu được biết đến và phổ biến.

Huyệt mộ ông Joseph Fitzgerald được đào hoàn toàn bằng tay, quan tài bằng gỗ tự nhiên không sơn phủ, không dùng chất ướp xác khi khâm liệm. Không có bất cứ một sản phẩm nào của thời hiện đại được sử dụng khi chôn cất, tất cả mọi thứ được chuẩn bị như thể đám tang hàng trăm năm trước. Trên phần mộ của ông, chỉ có một tấm bia nhỏ bằng gỗ thông.

Con cháu đắp cho ông một mô đất nho nhỏ, hơi nhô cao một chút so với xung quanh. Chỉ sau vài năm nữa thôi, dưới tác động của tự nhiên, hai dấu tích này sẽ hoàn toàn biến mất. Khi đó, có lẽ ông đã hoàn toàn được trở về với thiên nhiên, theo cách tự nhiên nhất.

Được biết, hiện nghĩa trang Bảo tồn Prairie Creek đã có 43 người quá cố được chôn cất ở đây theo hình thức mai táng xanh kể từ khi nó được khai trương vào cuối tháng 7/2010.

Từ nhiều thập niên trở lại đây, tại Mỹ, những cỗ quan tài thường được làm bằng thép hoặc gỗ công nghiệp được gắn keo và sơn phủ bằng các hóa chất độc hại. Một số nơi còn làm bằng sợi thủy tinh, sau đó bọc phủ ngoài bằng nhựa cao cấp, sơn phủ giả gỗ, giả đồng.

Thi hài người chết cũng được ướp bằng chất hóa học để giữ lạnh trong thời gian tổ chức tang lễ. Có nhiều loại chất ướp xác khác nhau, nhưng tất cả đều chứa một thành phần chủ yếu là formaldehyde - một chất rất độc hại đối với con người và tự nhiên.

Trong mai táng xanh, quan tài làm bằng mây và bìa giấy, hoặc gỗ
Trong mai táng xanh, quan tài làm bằng mây và bìa giấy, hoặc gỗ, và tự hủy trong vòng ba tháng đến vài năm.

Mai táng xanh lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại. Việc chôn cất người quá cố hoàn toàn sử dụng các vật liệu tự nhiên, “thân thiện môi trường” từ A đến Z. Ví dụ như các loại quan tài làm bằng mây và bìa giấy, dày hơn thì sử dụng gỗ, với phần trang trí do gia đình tự làm, và tự hủy trong vòng ba tháng đến vài năm... Nó góp phần giảm thiểu phát thải carbon, bảo vệ sức khỏe người sống và phục hồi hoặc bảo tồn môi trường sống xung quanh.

Việc ướp xác trong quá trình mai táng cũng rất quan trọng. Trước đây, trong quá trình xử lý thi hài trước khi chôn cất, người ta cũng sử dụng nhiều hóa chất ướp xác độc hại, và chúng có thể thấm vào đất sau khi chôn. Nhưng trong mai táng xanh, thi thể không hề được ướp bất kỳ chất hóa học nào mà chỉ mặc quần áo bằng sợi nguyên chất, cùng lắm là ướp lạnh hoặc dùng đá khô.

Thậm chí mới đây, nghệ sĩ Jae Rhim Lee ở Mỹ lên ý tưởng thiết kế ra loại trang phục “mai táng vĩnh hằng”. Bộ quần áo được thêu bằng loại sợi đặc biệt pha với bào tử nấm vĩnh hằng. Khi được chôn xuống đất, bào tử nấm có tác dụng làm sạch xác chết chứa độc tố ở các tế bào hoặc cơ quan nội tạng. Ông Lee cho rằng cơ thể người là bộ lọc và nơi lưu trữ độc tố từ môi trường.

Mục tiêu của thiết kế là loại bỏ độc tố theo cách bền vững và có lợi cho môi trường, khắc phục những hạn chế của các hình thức mai táng khác. Trang phục có mức giá 999 USD còn rẻ hơn so với chi phí mai táng (1.181 USD vào năm 2014) và hoả táng (trung bình 6.087 USD) ở Mỹ.

Tương lai của công nghiệp mai táng

Billy Campbell, một bác sĩ nông thôn ở bang Nam Carolina là người đầu tiên phát động phong trào này vào năm 1998. Từ đó đến nay, nó đã phát triển nhanh chóng và dần trở thành một trong những hình thức an táng chủ yếu. Có tới 30 nghĩa trang dành riêng cho hình thức an táng này tại khắp nước Mỹ.

Cuộc khảo sát gần đây nhất được thực hiện bởi công ty tổ chức tang lễ Kate - Boylton cho thấy rằng, 43% số người cao tuổi được hỏi nói rằng, họ có thể sẽ lựa chọn hình thức an nghỉ này sau khi qua đời. Tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể so với con số 21% do hãng nghiên cứu AARP thu thập được trước đó chỉ một năm.

Điều này cho thấy nhìn nhận của người Mỹ về hình thức này đã thay đổi mạnh mẽ. Từ chỗ nghi ngại, giờ đây, “an táng xanh” đang trở thành lựa chọn của những người sắp bước sang thế giới bên kia.

Nhiều người mong muốn an táng mình theo cách tự nhiên nhất
Nhiều người mong muốn an táng mình theo cách tự nhiên nhất, để cơ thể được gửi gắm hoàn toàn vào đất mẹ thiên nhiên.

Không chỉ là một hình thức bảo vệ môi trường, “an táng xanh” còn mở ra một cơ hội kinh doanh mới cho các công ty cung cấp dịch vụ tang lễ. Ông Freddie Johnson, Chủ tịch Hội đồng “an táng xanh” tại Mỹ (GBC - The Green Burial Council) nhận xét, nhờ vào ý thức bảo vệ môi trường đang ngày càng tăng của người dân, thị trường đầy tiềm năng này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nhiều năm nữa.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hoàn toàn được miễn thuế và luôn nhận được sự trợ giúp tối đa từ phía chính phủ Mỹ, nên thị trường đặc biệt này càng thêm hấp dẫn. Theo ông Freddie, trong năm 2011, riêng tại Mỹ, ngành kinh doanh này đã có doanh thu xấp xỉ nửa tỷ USD. Con số này liên tục gia tăng trong với tốc độ ấn tượng.

Một nguyên nhân nữa cũng góp phần thúc đẩy người Mỹ lựa chọn “an táng xanh” đó là chi phí. So với an táng truyền thống, mai táng xanh rẻ hơn nhiều. Đơn cử một chiếc quan tài bằng thép có giá từ 6 – 10 ngàn USD, thì mai táng xanh chỉ sử dụng các quan tài bằng gỗ thông, tre, gỗ cây liễu dệt, thậm chí từ bìa các tông hoặc dây chuối khô ép, và chi phí cho một cỗ quan tài như thế chỉ từ 500 - 1000 USD. Công đào huyệt bằng tay tương đương với thuê máy xúc mà lại bỏ được hạng mục hầm mộ bê tông cốt thép bên dưới.

Tính chung tất cả các khoản, chi phí cho mai táng xanh chỉ bằng khoảng 40% so với an táng truyền thống. Đây quả là một con số ấn tượng, bởi không phải người già Mỹ nào cũng có một khoản tiền rủng rỉnh để lo cho hậu sự của mình.

Với những ưu điểm “nhiều bên cùng có lợi”, thật dễ hiểu khi mai táng xanh đang ngày càng trở nên phổ biến tại Mỹ và các nước phương Tây. Những nghĩa trang chuyên dành cho mai táng xanhđược hình thành tại khắp nơi và nhiều vị trí an nghỉ “xanh” đều đã được đăng ký trước, đẩy lùi hình thức an táng truyền thống nặng về hình thức và lạm dụng công nghệ, tiêu tốn tài nguyên.

Theo dự đoán của GBC, chỉ trong vòng một thập niên nữa, mai táng xanh sẽ chính thức vượt qua hỏa táng, trở thành hình thức an nghỉ phổ biến nhất. Đây cũng là con đường đưa con người trở về với cát bụi, về với thiên nhiên một cách gần gũi, nhẹ nhàng nhất.

Trên thế giới còn nhiều loại mai táng xanh khác. Mai táng sinh thái học (ủ xác) do nhà sinh học người Thụy Điển Susanne Wiigh-Mäsak nghiên cứu và phát triển. Hay phương pháp Resomation - thủy phân kiềm, sử dụng nước và chất kiềm để phân hủy cơ thể thay vì nhiệt độ cao. Cơ thể người chết được bọc kín trong một quan tài bằng lụa và được đưa vào một buồng bằng thép cùng kali hidroxit dưới áp suất khoảng 10atm.

Nhiệt độ được đặt ở mức 180 độ C, thấp hơn 80% so với nhiệt độ tiêu chuẩn trong các lò thiêu thông thường. Áp suất cao và nhiệt độ sẽ phân hủy thi hài trong từ 2 - 3 tiếng, phần xương còn lại được ép nát và được cho vào bình đựng tro cốt. Ngoài ra, quan tài bằng lụa cũng bị thủy phân theo thi hài.

Cập nhật: 10/05/2018 Theo baophapluat
  • 1.925