Hôm 25/6, bốn chiếc vệ tinh đầu tiên trong chùm 12 vệ tinh được dự kiến để thiết lập một hệ thống cung cấp tín hiệu internet cho người dân vùng sâu, vùng xa tại gần 180 quốc gia, đã được phóng lên vũ trụ.
Là một phần trong một dự án có tên là O3B, viết tắt của cụm từ “3 tỷ người khác” tại các khu vực khó tiếp cận mạng Internet trên khắp thế giới, chiếc vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa đẩy Soyuz của Nga tại trung tâm vũ trụ Kourou của Pháp ở Guiana vào lúc 7 giờ 30 phút (giờ GMT).
Chủ tịch Dự án O3B John Dick tuyên bố: “Một cuộc du hành thay đổi cuộc sống đã bắt đầu đối với rất nhiều cư dân tại các vùng sâu, vùng xa không có kết nối internet trên thế giới”. Ông cũng nói thêm rằng dự án O3B sẽ mở ra một thế giới mới và đầy lý thú cho hàng tỷ người, những người mà cho tới nay vẫn chưa được hưởng những lợi ích từ việc kết nối mang lại.
Dự án này được khởi nguồn từ sự thất vọng của nhà khoa học Greg Wyler với mạng viễn thông của Rwanda khi ông đi du lịch tại đất nước này vào năm 2007. Ông đã đưa ra một kế hoạch bỏ qua việc lắp đặt những cơ sở hạ tầng tốn kém dưới mặt đất như các hệ thống cáp quang hay cáp đồng thông thường. Thay vào đó, sẽ triển khai một chùm bao gồm các vệ tinh nhỏ bay chung quanh xích đạo đóng vai trò như một bộ chuyển tiếp tín hiệu trên không gian giữa người dùng với mạng Internet nhờ các đĩa vệ tinh.
Ảnh: extremetech.com
Một hệ thống như vậy sẽ có vùng phủ sóng từ 45 độ vĩ độ Bắc tới 45 độ, vĩ độ Nam. Tức là nó sẽ bao trùm toàn bộ lục địa châu Phi, phần lớn châu Mỹ Latin, Trung Đông, Đông Nam Á, Australia và các đảo ở Thái Bình Dương.
Hiện nay, đã có nhiều vệ tinh địa tĩnh đang cung cấp dịch vụ Internet qua không gian. Tuy nhiên, những người dân ở các khu vực khó khăn, nghèo đói khó có thể tiếp cận được các dịch vụ này do mức chi phí quá cao.
Một tài liệu của công ty O3B Networks cho biết, các loại vệ tinh địa tĩnh hiện nay thường hoạt động ở độ cao khoảng 36 nghìn km so với bề mặt Trái đất, có trọng lượng khoảng từ bốn tới sáu tấn và cần nhiều thời gian hơn để phát một tín hiệu trở lại Trái đất.
Còn loại vệ tinh được sử dụng trong dự án O3B, được chế tạo bởi tập đoàn Thales Alenia Space liên doanh giữa Pháp và Italy, hoạt động ở độ cao hơn 8 nghìn km và chỉ nặng có 650kg. Quan trọng hơn, chúng có thể truyền dữ liệu về Trái đất nhanh gấp bốn lần so với các vệ tinh địa tĩnh truyền thống. Ngoài ra, chỉ cần khoảng 6 chiếc vệ tinh loại này là đủ để bảo đảm vùng phủ sóng thường trực. O3B Networks cũng cho biết giá dịch vụ của O3B sẽ thấp hơn từ 30 đến 50% so với các dịch vụ vệ tinh truyền thống.
Dự án này đã được đầu tư bởi các tập đoàn lớn trên thế giới như Google, Liberty Global, hãng điều hành vệ tinh SES, ngân hàng HSBC và Ngân hàng phát triển Nam Á.
Theo kế hoạch ban đầu, bốn vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng lên vũ trụ vào ngày 24/5 nhưng vụ phóng đã phải trì hoãn do thời tiết xấu. Arianespace, công ty chịu trách nhiệm phóng vệ tinh cho biết, bốn vệ tinh tiếp theo sẽ được phóng lên quỹ đạo trong tuần tới và bốn vệ tinh “dự phòng” cuối cùng sẽ được phóng vào đầu năm tới.