Mất bao lâu và nóng bao nhiêu độ để thiêu 1 thi thể thành tro?

  •  
  • 9.646

Trở lại năm 1980, có ít hơn 10% người Mỹ (đã mất) được hỏa táng. Con số này hiện là khoảng 53%, theo Hiệp hội Hỏa táng Quốc gia Bắc Mỹ.

Sự thay đổi đến từ nhiều nguyên nhân từ tôn giáo, văn hóa đến sự chấp nhận rộng rãi của xã hội. Tuy nhiên, không có sự kiện nào thúc đẩy sự thay đổi đó nhanh hơn cuộc Đại suy thoái (Cuộc suy thoái toàn cầu 2009). "Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ hỏa táng tăng lên khi kinh tế suy thoái hồi cuối năm 2008 và mọi người mất việc làm. Hỏa táng là một giải pháp thay thế ít tốn kém hơn so với chôn cất trong lòng đất truyền thống" - Jim Koslovski, Giám đốc Nghĩa trang Rosehill và Rosedale tại bang New Jersey (Mỹ) nhận định.

Nghĩa trang Rosehill và Rosedale chỉ tính phí 190 đô la để hỏa táng một thi thể, và tính thêm phí cho linh cữu, hoa và dịch vụ khác. Ngược lại, một ngôi mộ có thể có giá 2.500 đô la, cộng thêm 1.900 đô la phụ phí.

Cách thức hoạt động của lò hỏa táng

Thông thường, khi xe tang tiến vào nhà hỏa táng, thi thể người chết sẽ được bọc kín, bỏ trong quan tài. Điều này một phần thể hiện sự tôn trọng người chết cũng như bảo vệ kỹ thuật viên hỏa táng khỏi các bệnh truyền nhiễm, cũng như giúp họ xử lý hài cốt an toàn nhất trước khi hỏa táng.

Các quan tài đi vào khu vực bảo quản lạnh của lò hỏa táng. Tại Rosehill, người ta cố gắng thực hiện tất cả các lễ hỏa táng và đưa hài cốt về với gia đình thân nhân trong vòng 24 giờ. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc an táng người đã mất ở các tiểu bang của Mỹ.

Khi công tác chuẩn bị cho việc hỏa táng đã sẵn sàng, quan tài sẽ được đưa ra khỏi kho lạnh và được đặt trên một bàn nâng thủy lực trông giống như một cái thùng, sau đó được chuyển đến một trong những đơn vị hỏa táng (hiểu rõ hơn là lò hỏa táng, tuy nhiên, người Mỹ tránh gọi từ này vì nó khiến người ta nghĩ đến lò thiêu ở trại tập trung Auschwitz của phát xít Đức).

Một sai sót/nhầm lẫn nhỏ sẽ để lại hậu quả không thể tha thứ, vì vậy Rosehill sử dụng hai hình thức ID để đảm bảo gia đình nhận lại đúng hài cốt. Một bản sao của biên nhận được đính kèm bên ngoài đơn vị hỏa táng và thẻ ID bằng kim loại đi kèm với người đã khuất bên trong đơn vị.

Một đơn vị hỏa táng có hai buồng: Buồng chính, nơi thi thể được đưa vào và buồng thứ cấp hoặc "buồng sau", nơi tiêu thụ các khí được tạo ra bởi quá trình hỏa táng. Buồng sơ cấp điển hình có tường lót gạch, sàn và mái bằng bê tông chịu nhiệt cao.

Buồng chính (nơi hỏa táng thi thể) được làm nóng từ 760 độ C đến 1.093 độ C trong 1,5 đến 2 giờ.

Các chất khí và hạt tạo thành đi vào buồng sau, một mê cung dài 9 mét được thiết kế để giữ lại các chất khí trong ít nhất một giây. Buồng sau được thiết kế để chịu các luồng khí nóng tới nhiệt độ 927 độ C.

Các đơn vị hỏa táng (lò hỏa táng - ND) ở Rosehill.
Các đơn vị hỏa táng (lò hỏa táng - ND) ở Rosehill. (Ảnh: CAREN CHESLER/Popularmechanics).

"Bất kỳ chất rắn nào cũng sẽ chuyển thành khí nếu được nung nóng đến đúng điểm. Về cơ bản, đó là những gì xảy ra với cơ thể khi mô bị đốt nóng đến mức chất rắn của nó chuyển thành khí và trở nên dễ cháy. Điều cốt yếu là thiết kế thiết bị tiêu thụ phần lớn lượng khí thải để chúng nằm trong các quy định về môi trường của tiểu bang" - Brian Gamage, Giám đốc tiếp thị của Thiết bị hỏa táng Mỹ ở bang Florida cho biết.

Theo các cơ quan môi trường ở hầu hết các bang của Mỹ, các hạt thải ra phải nhỏ hơn 0,1 trên 0,0283 mét khối tiêu chuẩn. Các vấn đề phát sinh khi khối lượng khí (khói) trở nên quá lớn đối với buồng sau xử lý và nó tràn ra ngoài. Điều đó có thể xảy ra nếu máy không được thiết kế phù hợp hoặc nếu người vận hành làm quá tải buồng chính, điều này có thể xảy ra vì những lý do đáng ngạc nhiên - ví dụ: Đưa một người béo phì vào thiết bị vào sai thời điểm trong ngày.

Nghe có vẻ rùng rợn nhưng trọng lượng là điều mà những người vận hành lò hỏa táng phải lo lắng. Máy không biết sự khác biệt giữa một người nặng 68 kg và một người nặng 180 kg. Nó chỉ thực hiện công việc của nó.

Quy tắc chung của nhà hỏa táng là 45kg mỡ người tương đương 65 lít dầu hỏa. Nếu một người nặng 180kg thì ít nhất 90kg trong số đó sẽ là chất béo đốt cháy nhanh chóng. Nếu bạn đặt người đó vào một cái máy quá nóng, vì đơn vị hỏa táng (lò thiêu) có xu hướng nóng hơn vào cuối ngày, buồng sau có thể tỏa khói và mùi ồ ạt và tràn ra ngoài không khí.

Mặc dù một số lò hỏa táng có thể xử lý thi thể nhanh hơn, về cơ bản một đơn vị hỏa táng có thể hoàn thành việc hỏa táng trong khoảng 1,5 giờ. Và điều đó thay đổi tùy thuộc vào trọng lượng của người chết và loại quan tài mang họ. Tính chất tốn thời gian giới hạn số lượng hỏa táng mà mỗi đơn vị có thể xử lý trong một ngày.

Quy trình hỏa táng qua ảnh
Quy trình hỏa táng qua ảnh: (1) Thi thể được xác định và gia đình người quá cố cho phép hỏa táng. Các thiết bị y tế và bộ phận giả được lấy ra và đồ trang sức được thu hồi trước khi thi thể được đặt vào hộp dễ cháy. (2) Hộp được đặt bên trong buồng hỏa táng và được làm nóng từ 760 độ C đến 1.093 độ C trong 1,5 đến 2 giờ. (3) Phần còn lại được làm nguội và kỹ thuật viên loại bỏ các mảnh kim loại bằng nam châm. (4) Phần còn lại được nghiền thành bột mịn. (5) Tro cốt được cho vào thùng, lọ và trả lại cho gia đình. (Ảnh: CAREN CHESLER/Popularmechanics).

Sau khi quá trình hỏa táng hoàn tất, hài cốt được đưa vào một khay nướng bằng bạc. Một kỹ thuật viên chạy một nam châm lên chúng để loại bỏ các vật liệu không bắt lửa trong quá trình hỏa táng. Những thứ này thường đến từ kim ghim, đinh vít, bản lề và khớp giả của một người. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra trực quan và loại bỏ bất kỳ vật liệu nào mà nam châm bỏ sót, ví dụ, những mảnh thủy tinh bị bỏ lại.

Lò hỏa táng đưa xương và tro còn sót lại vào một máy nghiền bột, không giống như một máy xử lý thực phẩm, để xay chúng thành một dạng bột đồng nhất hơn. Hài cốt sau đó được đưa vào một thùng chứa cho gia đình..

Trở về đất mẹ

Tất nhiên, thiêu xác người chết không phải là một khái niệm mới. Hỏa táng bắt đầu từ thời kỳ đồ đá, và nó phổ biến ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Trong một số tôn giáo nhất định như Ấn Độ giáo, hỏa táng, đặc biệt là hỏa táng ngoài trời là hình thức an táng người chết rất phổ biến.

Sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo đã kìm hãm việc hỏa táng ở phương Tây. Đến năm 400 sau Công Nguyên, vào khoảng thời gian Hoàng đế Constantine Cơ đốc hóa Đế chế La Mã, La Mã đã cấm hỏa táng như một tập tục ngoại giáo. Lý do thần học cho lệnh cấm này có liên quan đến sự sống lại (hồi sinh) - họ muốn giữ xác nguyên vẹn để người chết có thể hồi sinh ở thế giới khác. Luật Do Thái cũng cấm việc này. Đến thế kỷ thứ 5, hỏa táng đã biến mất khỏi châu Âu.

Hoạt động này đã chứng kiến ​​sự hồi sinh ở châu Âu vào những năm 1870, chủ yếu là trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Nhà hỏa táng hiện đại đầu tiên được xây dựng ở Mỹ vào năm 1876. Đến năm 1900, có 20 nhà hỏa táng ở Mỹ. Việc thực hiện này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vào năm 1963, khi Giáo hội Công giáo đảo ngược quan điểm về hỏa táng trong những cải cách của Công đồng Vatican II và nói rằng hỏa táng được cho phép. Ngày nay, có hơn 3.000 nhà hỏa táng trên khắp Mỹ.

Jim Koslovski cho biết, việc mọi người chấp nhận rộng rãi hỏa táng phù hợp với điều kiện thực tế khi các nghĩa trang sắp hết chỗ. Ông ước tính Rosehill chỉ còn 15 năm nữa trước khi nó hết chỗ.

"Cát bụi lại trở về với cát bụi" - Con người sinh ra từ Trái đất rồi cũng trở về với Trái đất. Nhưng cách chúng ta trở lại Đất Mẹ quan trọng hơn câu chuyện cảm xúc - Đó là vấn đề môi trường.

Lọ đựng tro cốt
Lọ đựng tro cốt. (Ảnh: GETTY IMAGES).

Khi hỏa táng tiếp tục được xem là giải pháp hàng đầu thay thế chôn cất người chết thì lượng khí thải đi kèm với quá trình này đã trở thành mối quan tâm - đến nỗi mọi người bắt đầu cân nhắc một số lựa chọn thay thế hỏa táng.

Hiện nay có một quy trình dựa trên nước được gọi là thủy phân kiềm, được phát minh ra như một cách để loại bỏ những động vật bị nhiễm bệnh bò điên. Nó đang được bán trên thị trường như một lựa chọn thân thiện hơn với môi trường sau khi giết mổ cho con người vì nó tạo ra ít khí carbon monoxide và ô nhiễm hơn.

Quá trình thủy phân bằng kiềm bao gồm việc đặt một thi thể vào một khoang chứa đầy nước và kali hydroxit và được làm nóng lên đến 149 độ C ở áp suất cao. Sau ba giờ, cơ thể trở thành một chất lỏng có màu nâu xanh và xương đủ mềm để nghiền nát. Xương có thể được trả lại cho gia đình, trong khi chất lỏng có thể thải vào hệ thống cống rãnh.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, biện pháp này không thực sự thành công. Nó chậm hơn hỏa táng. Và quan trọng hơn, công nghệ này đắt hơn: Một thiết bị điều áp bằng thép không gỉ có thể có giá từ 175.000 đô la cho một đơn vị cơ bản đến 500.000 đô la cho một đơn vị cao cấp, trong khi một đơn vị hỏa táng có giá khoảng 110.000 đô la. Cũng có những vấn đề pháp lý vì quy trình này bị cấm trừ khi một tiểu bang thông qua luật cho phép cụ thể.

Hơn nữa, vấn đề đạo đức cũng được đặt ra khi một phần thi thể người chết (sau khi thủy phân kiềm) bị biến thành chất lỏng rồi chảy ra hệ thống cống rãnh. Điều này khó lòng mà chấp nhận đươc với thân nhân gia đình.

Cập nhật: 05/11/2024 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 9.646