Mất khả năng nói từ năm 1985, Stephen Hawking đã làm cách nào để nói chuyện với thế giới?

  •  
  • 1.860

Hãy gặp gỡ "giọng nói" của Stephen Hawking, thứ đã đại diện cho Hawking trước công chúng trong suốt hơn nửa thế kỷ.

Stephen Hawking gặp Gordon Moore, đồng sáng lập của Intel tại một hội nghị năm 1997. Ông Moore nhận thấy Hawking đang phải sử dụng một chiếc máy tính để trò chuyện với mọi người xung quanh, một chiếc máy có bộ xử lý AMD. Gordon Moore đã hỏi Stephen Hawking rằng ông có muốn một chiếc "máy tính thực thụ" không, với một bộ vi xử lý của Intel.

Và từ thời điểm đó đến giờ, Intel trở thành nhà cung cấp máy tính và nhận trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc sống của Hawking. Hai năm một lần, họ thay máy tính cho cố nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking .

Intel trở thành nhà cung cấp máy tính và nhận trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc sống của Hawking.
Intel trở thành nhà cung cấp máy tính và nhận trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc sống của Hawking.

Năm 1985, Hawking mất đi khả năng nói sau một cuộc phẫu thuật cứu sống được tính mạng ông. Trong một khoảng thời gian ngắn, ông đã phải dùng những tấm bảng đánh vần để nói chuyện, nhướn mày để chọn ra những chữ cái phù hợp, để tạo thành câu.

Martin King, một nhà vật lý học đang cùng Hawking thiết kế một hệ thống liên lạc mới, đã liên hệ với công ty Words Plus, công ty có một chương trình máy tính có tên Equalizer cho phép người dùng chọn từ và câu lệnh trên máy tính chỉ bằng một nút bấm.

Ban đầu, Equalizer chạy trên máy tính Apple II, gắn với một thiết bị tạo tiếng nói được thiết kể bởi công ty Speech Plus.

Hệ thống này sau đó được David Mason, đời chồng đầu tiên của bà vợ hai của Stephen Hawking, thiết kế lại. Ông làm ra một hệ thống gắn lên tay ghế của Hawking. Với thiết bị mới này, Hawking có thể nói chuyện với tốc độ 15 từ/phút.

Stephen Hawking năm 1986.
Stephen Hawking năm 1986.

Nhưng bệnh tình của Hawking ngày một nặng. Năm 2008, Hawking không thể bấm nút nói chuyện được nữa. Trợ lý của ông tạo ra một thiết bị có tên là "nút má - cheek switch", gắn lên kính của Hawking. Dùng tia hồng ngoại, nó theo dõi cử chỉ cơ má của Hawking, cho phép ông viết được cả email, lướt web và thậm chí là viết sách. Tuy nhiên, khả năng điều khiển cơ của Hawking ngày một giảm, đến năm 2011 thì Hawking chỉ còn nói được 2 từ/phút. Ông gửi một là thư tới Gordon Moore, hỏi rằng liệu Intel có thể giúp mình không.

Moore hỏi Justin Ratter, CTO đương nhiệm lúc ấy của Intel, xem họ có thể làm được gì. Rattner triệu tập một nhóm chuyên gia về tương tác giữa người và máy nhằm giải quyết vấn đề. "Chúng tôi sẽ khéo léo áp dụng những thứ công nghệ tiên tiến nhất để cải thiện tốc độ liên lạc của Stephen", Rattner đã hứa hẹn giúp Hawking lấy lại tốc độ đàm thoại ông đã từng có trước đây.

Đội ngũ nghiên cứu gồm năm người, đứng đầu là Horst Haussecker – giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ Trải nghiệm gặp Stephen Hawking, giới thiệu về dự án của mình. Họ tiếp tục bài diễn thuyết của mình được 20 phút thì đột nhiên, Hawking cất tiếng nói.

"Ông ấy đã chào đón chúng tôi và bày tỏ rằng ông rất hạnh phúc bởi chúng tôi đã ở đó để giúp ông", Pete Denman, một nhà thiết kế thuộc đội ngũ trên, một người cũng phải sử dụng xe lăn vì bị liệt, nhớ lại. "Chúng tôi không hề biết rằng ông đã dành hết khoảng thời gian vừa rồi để gõ chữ. Ông đã mất 20 phút để gõ ra một lời cảm ơn dài 30 từ. Chúng tôi đột ngột dừng lại. Đó quả là một giây phút đầy đau thương. Chúng tôi nhận ra rằng vấn đề này phức tạp hơn mình tưởng".

Đây chính là "giọng nói" của Hawking hồi năm 1999.
Đây chính là "giọng nói" của Hawking hồi năm 1999.

Lúc ấy, giao diện máy tính của Hawking là một chương trình có tên EZ Keys, một phiên bản cải tiến từ phần mềm trước đây và cũng được thiết kế bởi Word Plus. Nó có một bàn phím ảo và một thuật toán đoán từ ngữ cơ bản. EZ Keys cũng cho phép Hawking dùng chuột để thao tác trên Windows, để lướt web trên Firefox và để soạn bài giảng trên Notepad. Ông cũng có một webcam để dùng Skype.

Nhưng để tạo ra một giao diện cho một con người đang yếu, đó là một trở ngại khổng lồ. Đội ngũ nghiên cứu đưa ra những giải pháp mới nhất, hiện đại nhất chưa được ứng dụng nhiều nơi nhưng đều không có hiệu quả. Phần mềm theo dõi ánh mắt không hoạt động được vì không thể bắt lấy ánh mắt của Hawking khi mí mắt của ông sụp xuống như vậy. Điện não đồ không bắt được một tín hiệu đủ mạnh từ não của Hawking để mà dựa vào đó điều khiển máy tính.

Bản thân Hawking là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Bản thân Hawking là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Càng quan sát, lắng nghe những gì Hawking bộc lộ, họ càng hiểu rõ rằng ông không chỉ muốn đàm thoại nhanh hơn, mà còn muốn tương tác tốt hơn với máy tính của mình. Sau nhiều thử nghiệm, họ đã có được một phiên bản nâng cấp cuối cùng: một nút "lùi", không chỉ cho phép Hawking xóa từ đã viết mà còn có thể lùi lại một bước vừa thực hiện trên máy; một thuật toán đoán từ tiên tiến; một hệ thống chọn từ cải tiến.

Bản thân Hawking là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Ông không muốn từng câu mình viết ra chỉ cần đủ ý để người ta hiểu là được, ông cần mọi từ phải thật hoàn hảo. Vì thế, Denman cho rằng cải tiến quan trọng nhất chính là việc tránh Hawking gõ sai từ. Cứ phải xóa đi gõ lại, mà vẫn gõ sai sẽ khiến Hawking mệt mỏi với việc liên lạc.

Ban đầu, Hawking thực sự thích giao diện mới này. Nhưng rồi, vấn đề mới xuất hiện: nó quá phức tạp. "Ông ấy là một trong những cá nhân thông minh nhất thế giới nhưng chúng tôi không được phép quên là ông chưa được sử dụng công nghệ hiện đại", Denman nói. "Chúng tôi đang cố hướng dẫn ông cụ 72 tuổi thông minh và nổi tiếng nhất thế giới tiếp xúc với công nghệ hiện đại".

Nhiều tháng sau, Intel mới tạo ra được một phần mềm vừa ý Hawking.
Nhiều tháng sau, Intel mới tạo ra được một phần mềm vừa ý Hawking.

Họ dựng lên một hệ thống ghi lại toàn bộ quá trình sử dụng máy tính của Hawking: một video 10 tiếng cho thấy cách Hawking gõ chữ, gõ chữ khi mệt, sử dụng chuột, kéo kích cỡ của một cửa sổ bất kì. "Tôi xem đi xem lại đoạn video ấy", Denman bày tỏ. Họ làm ra được một hệ thống mới, nhưng cũng sớm biến thành một "cực hình" với Hawking: nó vẫn không hợp với ông.

Nhiều tháng sau, họ mới tạo ra được một phần mềm vừa ý Hawking. Nó có một hệ thống đoán từ mới tới từ SwiftKey. Nó phải kết hợp với những thông tin của Intel mới hoàn thiện được hệ thống này, bởi lẽ Hawking đã quen với việc đoán trước hệ thống quen thuộc của mình đoán trước từ gì.

Bên cạnh đó, nó có hàng loạt phím tắt cho phép Hawking thực hiện nhiều tác vụ khác nhau như nói, tìm kiếm hay soạn email; một phần mềm điều khiển bài giảng. Nó cũng có thêm cả nút tắt âm thanh, cho phép Hawking ... không thể nói được nữa.

Bởi hệ thống quan sát cơ mặt của Hawking, nên trong ông ăn hay di chuyển, máy sẽ tự phát ra những từ linh tinh. Tuy nhiên, có lúc Hawking còn thích thú với "tính năng" nói linh tinh này: ông rất hay trêu người khác bằng hệ thống này. Trợ lý Jonathan Wood của Hawking kể lại rằng có lần ông gõ bừa "x x x x" lên hệ thống và khi phát âm ra, người ta sẽ nghe giống như Hawking đang nói "sex sex sex sex".

Hawking rất thích giọng máy tính của mình.
Hawking rất thích giọng máy tính của mình.

Hawking rất thích giọng máy tính của mình. Hồi năm 1988, khi Speech Plus cho ông một giọng nói mới khác hơn giọng nguyên bản mình vẫn sử dụng, ông đã đề nghị cấp lại cho mình giọng nói cũ.

Giọng nói của ông được tạo nên bởi kỹ sư Dennis Klatt hồi những năm 80, đó là một trong những hệ thống đầu tiên có thể dịch văn bản thành giọng nói. Giọng của Hawking được gọi là "Perfect Paul – Paul Hoàn hảo".

Đội ngũ nghiên cứu còn lên kế hoạch cải tiến nhiều nữa: như một hệ thống lái xe lăn sử dụng cằm của Hawking.

Nhưng có lẽ, Hawking đã không còn cơ hội sử dụng chúng nữa rồi: Stephen Hawking đã mất vào sáng 14/3/2018 theo giờ Việt Nam. Nhưng cái ghế tiên tiến ấy, những học thuyết mà Hawking đưa ra, những cống hiến của Hawking cho khoa học sẽ vẫn là biểu tượng trường tồn của ông với nhân loại.

Cập nhật: 15/03/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.860