Mặt tối ít biết về Alexander Đại đế: 'Nhổ cỏ tận gốc' tàn bạo và cuộc chinh phục 'nữ thần' tuyệt đẹp Roxana

  •   4,52
  • 3.376

Nhiều ghi chép sử sách, các tác phẩm văn học, điện ảnh… đều ca ngợi Alexander Đại đế như một vị vua vĩ đại, nhưng sự thực không đơn giản như vậy.

Loạt câu chuyện đặc biệt này về Alexander Đại đế trích từ sách "Muôn kiếp nhân sinh" (phần 2). Người xưng "tôi" trong bài là nhân vật chính, có nhiều dịp cận kề và dõi theo hành trình chinh phục thế giới của Alexander Đại đế.

Alexander Đại đế - Nhà quân sự kỳ tài

Là người phụ trách tài chính, tôi được gọi đến để lập danh sách vàng bạc, châu báu mang về cho ngân quỹ Pella. Vừa bước vào cung, tôi đã choáng ngợp bởi sự sang trọng của cung điện và vẻ đẹp của lối kiến trúc ở Ba Tư.

Thấy tôi bỡ ngỡ, Seleucus bật cười giải thích: "Này Kyros, ngươi hãy nhìn xem, biết bao rượu ngon, biết bao món ăn đặc biệt mà chúng ta chưa từng thử qua. Ngoài ra, phụ nữ xứ này đẹp vô cùng, đã thế họ còn hiểu biết nghệ thuật ái ân, giỏi chiều chuộng. Trong hậu cung này có hàng trăm phụ nữ xinh đẹp sẵn sàng nhiệt tình phục vụ. Chúng ta tha hồ lựa chọn."

Có thể nói được sống gần vị vua trẻ và những học giả tháp tùng cùng ngài, tôi dần nhận thấy Alexander không những là một nhà chỉ huy tài năng trên chiến trường mà còn là một hoàng đế có lối sống vô cùng bình dị. Trên sa trường, ngài sống trong lều vải y hệt như các binh sĩ. Mỗi buổi sáng, ngài dậy sớm, chọn ngẫu nhiên một đội binh để cùng thao luyện. Sau đó, ngài sẽ cùng binh sĩ ăn uống, hoàn toàn không có cách biệt giữa một vị hoàng đế và những người lính tầm thường.

Mỗi ngày, Alexander đều dành thời gian học hỏi với các học giả
Mỗi ngày, Alexander đều dành thời gian học hỏi với các học giả. (Ảnh: Worldhistory)

Sau mỗi trận đánh, nhà vua đi ủy lạo, hỏi thăm thương tích của binh sĩ và không ngần ngại cho họ xem những vết thương trên thân thể của chính mình, vì thế ngài được binh sĩ hết lòng kính phục. Đến tối, vị vua trẻ còn la cà khắp doanh trại, vừa uống rượu, vừa ca hát với binh sĩ. Đi cùng ngài là đám bạn thân như Perdicas, Hephaestion, Ptolemy, Antigonus, là những người chơi với ông từ nhỏ. Do cùng học và cùng lớn lên với nhau, họ cũng thích ca hát và uống rượu như Alexander.

Ngoài ra, mỗi ngày Alexander đều dành thời giờ để học hỏi thêm với các học giả Hy Lạp hoặc bàn luận với họ về việc điều hành những nơi mà ngài vừa chinh phục. Alexander là một chiến lược gia sáng suốt, đi đến đâu ngài cũng cho người thăm dò địa thế trước để chọn nơi đóng quân và cho vẽ bản đồ của khu vực với chi tiết sông ngòi, đồi núi, đường sá cẩn thận.

Vậy mà bây giờ nhìn những người bạn từng lớn lên cùng tôi đang hưởng thụ sự phục vụ của những mỹ nữ Ba Tư với vẻ ngạo nghễ, tôi hốt nhiên nhận ra có lẽ vinh quang chiến tranh, vàng bạc và phụ nữ đã làm thay đổi bản chất cao thượng của họ. Họ đã có lòng tham, muốn hưởng thụ, đã rời xa những lý tưởng cao đẹp khi xưa là bảo vệ Hy Lạp khỏi nạn ngoại xâm. Hành động hiện nay của họ có khác gì một đội quân xâm lược đâu.

Vì chưa kiểm soát được nơi vừa chinh phục, Alexander đã truy đuổi đến cùng thống lĩnh xứ Ba Tư
Vì chưa kiểm soát được nơi vừa chinh phục, Alexander đã truy đuổi đến cùng thống lĩnh xứ Ba Tư. (Ảnh: Wp)

Về phía Alexander, ngài đã kéo quân đến Bactria và để tướng Parmenion ở lại Ecbatana để kiểm soát mọi việc. Trên đường, tuy gặp sự kháng cự của các thống lĩnh địa phương xứ Ba Tư nhưng lần nào Alexander cũng chiến thắng dễ dàng. Khi truy đuổi đến Damghan thì quân sĩ tìm thấy xác Vua Darius, ông đã bị Bessus giết rồi bỏ xác lại ở dọc đường.

Cái chết của Darius chấm dứt triều đại của dòng tộc Achaemenid, chính thức đưa Alexander lên địa vị lãnh đạo tối cao nơi đây. Tuy nhiên vị vua trẻ vẫn chưa hài lòng vì chưa kiểm soát được Bactria. Phần lãnh thổ này hiện vẫn do tướng Bessus chiếm đóng. Vì vậy, nhà vua nhất quyết truy đuổi Bessus đến cùng.

Một vị vua tham vọng, đa nghi và hung bạo

Một hôm, tôi tình cờ gặp Philotas đang ngồi ủ rũ, thấy tôi, anh thở dài rồi than: "Ta không hiểu, đã thắng rồi thì trở về Hy Lạp thôi, còn ở lại đây làm gì? Hiện giờ Ba Tư không còn là mối đe dọa nữa, chẳng phải mục đích đã thành hay sao. Nếu cuộc chiến cứ tiếp diễn như vậy, biết bao giờ chúng ta mới được trở về Hy Lạp?" Không chỉ có Philotas mà một số người khác trong quân ngũ cũng đã có thái độ bất mãn với cuộc chiến.

Sau cuộc gặp với Philotas không lâu, mấy ngày trước khi tôi trở về Hy Lạp, một biến cố lớn xảy ra. Một nhóm binh sĩ Hy Lạp âm mưu ám sát Alexander nhưng bị bại lộ. Các binh sĩ này đều là thủ hạ của Philotas nên Alexander ra lệnh bắt ngay viên tướng này để tra hỏi. Philotas là bạn của Alexander từ nhỏ, cùng ngài theo học với Aristotle và đã theo ngài kể từ ngày đầu của cuộc viễn chinh, đã lập nhiều công trạng lớn. Philotas khăng khăng là mình không có tội nhưng vẫn bị tra tấn đến chết.

Philotas cũng là chồng của Sophia và là con trai của đại tướng Parmenion, phó chỉ huy quân lực viễn chinh Hy Lạp. Sợ cái chết này có thể tạo ra sự chia rẽ trong hàng ngũ quân sĩ vì một nửa quân đội đang nằm dưới quyền chỉ huy của Parmenion nên Alexander lập tức gửi công văn hỏa tốc cho tướng Cleander ra lệnh giết Parmenion trước khi tin tức Philotas đã chết đến tai ông ta. Cleander hoàn tất nhiệm vụ và được phong chức chỉ huy quân đội thay cho Parmenion.

Cái chết của hai vị tướng chỉ huy của Macedonia đã giúp tôi nhận ra một khía cạnh khác của Alexander mà trước đây tôi không nghĩ tới. Tuy ngài là nhà quân sự lỗi lạc, là một chiến binh thiện chiến, là nhà chỉ huy giỏi, thân thiện với quân sĩ, có tình nghĩa với bạn bè, nhất là những người lớn lên cùng mình, nhưng ngài cũng là một ông vua, một ông vua tham vọng, đa nghi, hung bạo và thiếu tự chủ khi say rượu. Vì có tham vọng lớn nên những trận đánh bách chiến bách thắng đã khiến ngài trở nên kiêu căng, hống hách và có phần tàn bạo hơn xưa.

Dù là bạn chơi thân từ nhỏ, ông cũng sẵn sàng giết khi đã nghi ngờ họ tạo phản
Dù là bạn chơi thân từ nhỏ, ông cũng sẵn sàng giết khi đã nghi ngờ họ tạo phản. (Ảnh: Wp)

Alexander tiếp tục truy đuổi Bessus qua sa mạc và núi non hiểm trở của xứ Bactria, xứ sở mà chính Vua Cyrus, người dựng nên Đế quốc Ba Tư, đã mất rất nhiều công sức mới chinh phục được. Alexander tiến sâu vào lãnh thổ Bactria, băng qua những rặng núi cao, vượt qua tuyết lạnh và trong vòng hai năm, ngài chinh phục được hơn bốn chục thành phố lớn, đổi tên tất cả thành Alexandria. Sau cùng ngài bắt được tướng Bessus và trừng phạt theo luật pháp Ba Tư, dùng luật hình dành cho kẻ giết vua: cắt tai, xẻ mũi, cho dân ném đá đến chết.

Đối với đa số quân sĩ Hy Lạp, cái chết của Vua Darius và việc giết được Bessus đã là chiến thắng cuối cùng, chấm dứt cuộc viễn chinh. Chiến thắng này đã chính thức đưa Alexander lên địa vị tối cao với danh xưng Vua của Á Châu, vì vậy một số tướng sĩ đã đề xuất nhà vua cho rút quân về. Tuy nhiên, Alexander chưa hài lòng với vinh quang này mà nhất định phải đánh đến tận cùng thế giới.

Alexander đến Sogdiana, vùng lãnh thổ nằm cạnh rặng Hindu Kush. Khi quân Alexander kéo đến, tộc trưởng Oxyartes không chịu đầu hàng vì ỷ vào địa thế hiểm trở, vách núi cao, khó xâm nhập. Alexander xem xét kỹ địa thế rồi chờ đêm tối, cho một toán quân sĩ tinh nhuệ dùng dây thừng, móc sắt leo núi, đột nhập căn cứ của Oxyartes, bắt sống ông ta và toàn bộ gia đình.

Tại đây, Alexander đã gặp Oxyartes và cô con gái yêu quý của tộc trưởng Oxyartes. Hôn lễ của Alexander lừng danh ở tuổi hai mươi tám và Roxana - người con gái đẹp nhất xứ Bactria, vừa tròn mười sáu tuổi, được cử hành ngay sau đó.

Sau hôn lễ với Roxana, một quý tộc người bản xứ, Alexander khuyến khích các tướng sĩ lập gia đình với phụ nữ địa phương và đích thân tổ chức đám cưới tập thể cho hàng trăm sĩ quan và binh sĩ. Seleucus, Perdicas và cả Leonidas cũng chọn các cô gái xinh đẹp để lấy làm vợ.

Để hòa nhập với người dân những vùng đã đánh chiếm, Alexander đã kết hôn với một nữ quý tộc người bản xứ

Để hòa nhập với người dân những vùng đã đánh chiếm, Alexander đã kết hôn với một nữ quý tộc người bản xứ. (Ảnh: Wp)

Mặc dù đã trở thành hoàng đế của đế quốc lớn nhất thế giới nhưng Alexander vẫn quan tâm đến những cuộc nổi dậy đòi độc lập tại Hy Lạp mà Antipater phải mất công đánh dẹp. Để duy trì an ninh, Antipater người hiện đang thay mặt Alexander trông coi toàn thể Hy Lạp đã cho ban hành nhiều đạo luật nghiêm khắc và hành xử như một hoàng đế, do đó ông làm mất lòng Thái hậu Olympias. Bà gửi thư cho Alexander phàn nàn về sự chuyên quyền của viên tướng này.

Đó là lý do Alexander cho gọi Antipater đến gặp mình ngay lập tức. Sau khi xem thư, Antipater biết nếu không cẩn thận thì cũng có thể bị giết như Philotas và Parmenion nên ông lấy cớ bận rộn, cho con trai là Cassander thay mình đến gặp Alexander. Cassander là chồng của Thessalonike, em gái của Alexander, nên có thể tránh được cơn thịnh nộ của hoàng đế.

Hôm đó Cassander vào triều và ngạc nhiên khi thấy Alexander không mặc y phục Hy Lạp mà đã chuyển sang mặc y phục của Ba Tư. Nhà vua ngồi trên ngai vàng trong khi các quan, tướng đều quỳ mọp dưới đất. Đây là điều không thể chấp nhận với người Hy Lạp. Nhìn thấy cảnh các quan bò lê dưới đất như thế, Cassander ngạc nhiên rồi bật cười ha hả. Thái độ này khiến Alexander nổi giận, nhà vua xông đến ghì chặt Cassander, liên tiếp đập mạnh đầu anh vào tường, máu tuôn xối xả. Nhà vua trẻ quát lớn: "Tại sao Antipater không đến mà để một thằng oắt con đến làm loạn triều đình của ta? Nếu không nể mặt Thessalonike thì hôm nay ta sẽ giết ngươi."

* GS John Vũ - Nguyên Phong: Muôn kiếp nhân sinh 2.

Cập nhật: 01/08/2021 Soha
  • 4,52
  • 3.376