Các kết quả phân tích của giới khoa học Mỹ cho thấy ba loại nước tồn tại trên mặt trăng, trong đó có cả tinh thể băng gần như tinh khiết.
Ảnh: New York Times.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua giới khoa học luôn nghĩ mặt trăng không có nước. Tuy nhiên, chuyến bay của tàu Chandrayaan-1 (Ấn Độ) và vụ nã tên lửa xuống mặt trăng vào năm ngoái của Mỹ đã chứng minh đây là suy nghĩ sai lầm. Chandrayaan-1 phát hiện 40 hố trên mặt trăng chứa nước đóng băng ở độ sâu khoảng 2 m so với bề mặt. Các chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng phát hiện sự tồn tại của một lượng nước lớn trên mặt trăng sau khi dùng tên lửa công phá để tìm nước vào ngày 9/10/2009.
"Chúng tôi tìm thấy ba loại nước trên mặt trăng", Paul Spudis, một nhà khoa học của Viện nghiên cứu mặt trăng và hành tinh tại Mỹ, tuyên bố với Space.
Spudis nói ba loại nước gồm: băng gần như tinh khiết; hỗn hợp tinh thể băng và đất; tinh thể băng trộn lẫn với các hợp chất như methanol (CH3OH), sulfua dioxide (SO2), diacetylene (H2C4).
Theo Space, các nhà nghiên cứu chưa hiểu tại sao một số hố trên mặt trăng chứa băng nguyên chất trong khi các hố khác chứa hỗn hợp đất và băng. Họ cho rằng rất có thể nước trên mặt trăng được sinh ra từ nhiều hơn một nguồn.
"Một phần nước có thể được tạo ra ngay trên mặt trăng do hạt proton trong gió mặt trời có thể tương tác với các oxit kim loại trong đá. Nhưng nước cũng có thể tới mặt trăng từ những nơi khác trong hệ Mặt Trời", Spudis giải thích.