NASA muốn đào bới Mặt trăng vì cho rằng đây là kho tàng của các thứ cực kỳ đắt giá như bạch kim, đất hiếm cùng vật liệu chưa từng có trên Trái đất.
Các quan chức của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA vừa tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với CNBC rằng họ có thể sẽ khai thác bề mặt Mặt trăng để tìm các mỏ kim loại quý như bạch kim và nhiều vật liệu vô giá khác. Đó là một phần của kế hoạch quay lại và thiết lập "thuộc địa Mặt trăng" mà họ dày công xây dựng cho thế kỷ này.
Phác thảo một khu vực mà NASA muốn xây trên Mặt trăng để tìm kim loại quý - (ảnh: NASA).
Ông Jim Bridenstine, Giám đốc NASA, cho rằng các tiến bộ mới trong công nghệ sẽ giúp "mở khóa" một loạt các vật liệu chưa từng được người trái đất biết đến trước đây. Nhiều tỉ phú và là ông chủ của các công ty vũ trụ tư nhân có ý định hỗ trợ NASA trong phi vụ đầy táo bạo này như giám đốc điều hành Jeff Bezos của Amazon, tỉ phú Elon Musk – ông chủ SpaceX.
Theo ông Bridenstine, "chị Hằng" có thể cất giấu hàng tấn bạch kim và đất hiếm. Đất hiếm là vật liệu được NASA quan tâm nhất vì hiện nay, hơn 80% vật liệu đất hiếm Mỹ sử dụng là từ Trung Quốc. Nhờ Mặt trăng, họ có thể tìm được nguồn cung ứng dễ dàng hơn.
Những chiếc rover tự hành như trong ảnh sẽ giúp NASA khai phá và lập thuộc địa - (ảnh: Carnegie Mellon University).
Ngoài ra, họ sẽ dùng silicon chất lượng cao của Mặt trăng để sản xuất chip máy tính; sắt, nhôm phục vụ xây dựng... Các hầm mỏ Mặt trăng còn có thể là nguồn cung cấp tại chỗ cho căn cứ Mặt trăng và một "nhà ga Mặt trăng" – thứ họ dự định làm trạm dừng, điểm tiếp nhiên liệu của các tàu vũ trụ tương lai đi chinh phục hành tinh khác.
Trái ngược với ý kiến trên, phát biểu trên tờ Spunik, tiến sĩ Evgeny Slyuta, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Hóa học Mặt trăng và Hóa học hành tinh của Viện Vernadsky (Nga), lại cho rằng những tham vọng đó khó lòng đạt được, bởi nếu xem xét về thành phần hóa học, số khoáng sản có trên Mặt trăng tương đối thấp so với Trái đất. Sự giàu có của tài nguyên phần nào phụ thuộc vào hệ thống cung cấp nước dồi dào của thiên thể đó, mà điểm này Trái đất vượt trội.
Thay vào đó, giới nghiên cứu hàng không – vũ trụ Nga nhắm vào những vật liệu dồi dào và dễ tái tạo hơn của Mặt trăng, đó là nước và hydro. Nếu biến những thứ này thành nhiên liệu, họ sẽ có chỗ đứng vững chắc trên Mặt trăng.