Mẫu UAV hứa hẹn thay đổi bản chất không chiến của quân đội Mỹ

  •  
  • 1.352

Máy bay không người lái FMR hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất và thay đổi bản chất không chiến trong tương lai.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển mẫu máy bay không người lái (UAV) có tên mã "Giá treo tên lửa trên không" (FMR), hứa hẹn sẽ là yếu tố thay đổi các cuộc không chiến tầm xa trong tương lai, theo Popular Merchanic.

Bản vẽ mẫu của dự án FMR.
Bản vẽ mẫu của dự án FMR. (Ảnh: Không quân Mỹ).

Vào đầu tháng 9/2017, Cơ quan nghiên cứu các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) đã đề xuất phát triển FMR với kinh phí dự tính khoảng 375.000 USD trong năm 2018. FMR là giải pháp giúp giảm chi phí và sự phức tạp trong quá trình hiện đại hóa không quân. Thay vì đầu tư nhiều nguồn lực để sản xuất tiêm kích mới, quân đội Mỹ có thể trang bị loại UAV này cho tiêm kích đời cũ để tăng khả năng tác chiến.

FMR có thể tăng tầm bắn cho tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 AMRAAM. Phiên bản AIM-120D mới nhất của Mỹ có thể hạ mục tiêu ở cách 160-180km, trong khi Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đối không có tầm bắn tới 320km. Việc trang bị FMR có thể giúp tiêm kích Mỹ giành lại ưu thế không chiến trước máy bay Nga và Trung Quốc.

Trung tá Jimmy Jones, giám đốc chương trình tại Phòng Công nghệ Chiến lược không quân Mỹ, cho biết FMR sẽ được tích hợp lên giá treo vũ khí của tiêm kích F-16 và F-18. Mẫu UAV mới này đạt tốc độ tối đa 1.110km/h và thời gian hoạt động liên tục khoảng 20 phút. FMR được lắp một hoặc hai tên lửa AIM-120D, có thể phóng đạn khi đang trên tiêm kích mẹ hoặc bay độc lập.

Trong tình huống không chiến một đối một, FMR giúp phi công Mỹ có thêm lựa chọn tấn công. Nếu máy bay đối phương có tên lửa hiện đại hơn, tiêm kích Mỹ sẽ phóng FMR để UAV này tự chiến đấu, trong khi máy bay mẹ giữ khoảng cách an toàn. Nếu gặp đối thủ yếu hơn, chiến đấu cơ Mỹ có thể tự phóng tên lửa AIM-120, để dành FMR cho tình huống giao chiến nguy hiểm hơn.

FMR giúp tăng tầm bắn hiệu quả cho tiêm kích đời cũ của Mỹ.
FMR giúp tăng tầm bắn hiệu quả cho tiêm kích đời cũ của Mỹ. (Ảnh: Không quân Mỹ).

Để dự án thành công, FMR phải tương thích với giá treo vũ khí của tiêm kích F-16 và F/A-18. Nó cũng cần có không gian để chứa thiết bị liên lạc, kết nối với máy bay mẹ. Công nghệ từ FMR dự kiến được ứng dụng vào chương trình Loyal Wingman, nhằm chuyển đổi tiêm kích có người lái như F-16 thành UAV vũ trang bán tự động.

Quân đội Mỹ dự tính chế tạo nguyên mẫu FMR đầu tiên và bắt đầu bay thử trong vòng hai năm tới. FMR sẽ đánh dấu cuộc cách mạng trong phát triển máy bay không người lái vũ trang, hứa hẹn là tương lai của không chiến, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.

Cập nhật: 14/09/2017 Theo VnExpress
  • 1.352