Công ty Mỹ phát triển mẫu máy bay điện có tốc độ 320km/h với phạm vi bay dài, lên tới 480km, nhờ cách tiết kiệm năng lượng mới.
Vấn đề lớn nhất đối với máy bay điện Cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) chính là hệ thống VTOL. Dù mang lại rất nhiều lợi ích, VTOL lại tiêu tốn mức năng lượng khổng lồ và đòi hỏi viên pin lớn. Khi chuyển sang bay ngang, các cánh quạt vốn sắp xếp theo chiều dọc cũng tạo thêm lực cản, làm hạn chế quãng đường bay được và vận tốc tối đa.
Máy bay điện Cruise với hệ thống cất hạ cánh thẳng đứng tách rời. (Ảnh: Talyn Air).
Công ty Mỹ Talyn Air phát triển mẫu máy bay điện mới mang tên Cruise có thể khắc phục vấn đề về năng lượng, New Atlas hôm 21/3 đưa tin. Cruise hoạt động nhờ Lift - hệ thống VTOL tách rời.
Lift có 8 cánh quạt lớn xếp thành 4 cặp đồng trục. Nó sẽ ghép nối với nóc của Cruise để giúp máy bay này cất cánh thẳng đứng. Sau khi Cruise đạt độ cao và vận tốc cần thiết, Lift sẽ tách ra để máy bay tự bay tiếp. Lift sẽ trở về trạm và sạc pin, bù lại phần năng lượng khổng lồ vừa tiêu thụ.
Trong khi đó, Cruise có thể tiếp tục chở 5 hành khách đến đích. Máy bay này có phạm vi di chuyển lên tới hơn 480km, dài hơn nhiều mẫu máy bay điện cất hạ cánh thẳng đứng khác. Tốc độ tối đa của nó là khoảng 320km/h.
Máy bay Cruise và hệ thống Lift ghép nối trên không trung. (Ảnh: Talyn Air).
Khi hạ cánh, Cruise có thể tiếp đất giống loại máy bay cánh cố định. Còn nếu muốn đáp xuống một sân bay trực thăng, nó sẽ cần ghép nối với một hệ thống Lift khác. Để đuổi theo và ghép nối với máy bay Cruise trên không, phương tiện Lift cũng được trang bị cánh giống tàu lượn và một cặp động cơ đẩy giúp tăng tốc.
Tuy nhiên, mẫu máy bay tách rời hệ thống VTOL này cũng gặp nhiều thách thức, trước hết là công đoạn ghép nối. Mối liên kết giữa hai phương tiện cần đơn giản để ghép nối giữa không trung, đồng thời đủ mạnh để nâng một máy bay chở 5 người lên khỏi mặt đất. Việc chuyển đổi giữa quá trình bay lên thẳng và bay ngang cũng sẽ rất phức tạp.