Có khả năng kháng khuẩn, chữa lành vết thương mà không cần kháng sinh, không có tác dụng phụ, chiếc máy chữa vết thương bằng công nghệ plasma của hai tiến sĩ trẻ Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được các bác sỹ trực tiếp sử dụng đánh giá cao, mở ra một hướng điều trị mới hiệu quả.
Bệnh nhân P. ở Thừa Thiên- Huế bị viêm xương gót mãn tính, trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng vết thương không lành. Khi đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân được BS Phạm Đăng Nhật, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật tạo hình phẫu thuật lại, lấy toàn bộ phần viêm nhiễm nhưng vẫn không khỏi hẳn. Bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong chạy chữa cũng như kinh tế.
Thời điểm đó, Bệnh viện Trung ương Huế đang tiến hành thử nghiệm máy chữa vết thương bằng công nghệ Plasma của nhóm TS trẻ Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam, lần đầu áp dụng. BS Nhật trao đổi để bệnh nhân áp dụng phương pháp này. Sau khoảng 6 lần chiếu tia plasma lạnh, trong thời gian gần một tháng, bệnh nhân khỏi hoàn toàn.
Theo BS Nhật, mỗi lần chiếu tia plasma lạnh vào vết thương chỉ kéo dài khoảng 5 phút. Bệnh nhân được chiếu khoảng 6-8 lần. Quá trình điều trị không phát hiện tác dụng phụ nào, bệnh nhân cũng không phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh mà chỉ thay băng. "Tôi mới gặp lại con của bệnh nhân P. thì được biết, vết thương lành hoàn toàn, không có dấu hiệu tái phát", BS Nhật kể.
Ông cho biết, Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Trung ương Huế thử nghiệm phương pháp này trên một số bệnh nhân. Qua thử nghiệm thì thấy, phương pháp này cho những kết quả rất khả quan, an toàn, không gây tác dụng phụ. Phương pháp vừa có tác dụng kháng khuẩn lại vừa giúp lành vết thương nên không cần sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị.
TS Đỗ Hoàng Tùng bên một chiếc máy plasma do anh và các cộng sự chế tạo. (Ảnh: Nguyễn Hoài).
Cũng có trường hợp, một bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn bị bỏng sâu, hoại tử, bệnh viện phải trả về. Thế nhưng sau 27 ngày điều trị bằng phương pháp Plasma, bệnh nhân khỏi hoàn toàn mà không cần phẫu thuật. Nhiều trường hợp khác đã được điều trị vết thương thành công bằng phương pháp này ở Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định...
Máy phát tia plasma lạnh có tên PlasmaMed ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) - một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này, được sáng chế bởi TS Đỗ Hoàng Tùng và TS Nguyễn Thế Anh, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
TS Đỗ Hoàng Tùng từng có thời gian nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ Plasma khi làm nghiên cứu sinh tại Đức. Hơn 8 năm, TS Tùng ở Đức tìm hiểu, nghiên cứu về plasma, một hướng đi mới trên thế giới và Việt Nam. Năm 2010, TS Tùng về nước. Anh cùng người bạn học là TS Nguyễn Thế Anh, khi ấy đang công tác ở Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bắt tay vào chế tạo máy chiếu tia plasma lạnh ứng dụng trong y tế và thẩm mỹ.
Khởi động bằng một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở 15 triệu đồng, sau bốn năm mày mò, sáng tạo, chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt đã ra đời. Đây là một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ.
Theo TS Tùng, tia Plasma lạnh khả năng diệt vi khuẩn, kể cả vi khuẩn kháng kháng sinh đồng thời tái tạo mô, nhanh làm lành vết thương. Đặc biệt quá trình điều trị không cần tới kháng sinh, điều này rất đáng quý trong bối cảnh kháng kháng sinh đang là vấn nạn ở Việt Nam. Cũng do không cần kháng sinh nên chi phí điều trị theo phương pháp này rẻ hơn nhiều.
Sau khi chế tạo thành công, máy PlasmaMed đang được đặt ở nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện bỏng Quốc gia, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, một số spa cũng sử dụng máy này trong thẩm mỹ và cho phản hồi tốt.
Sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của hai TS trẻ đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế. TS Tùng cho biết, nhiều bệnh viện đang ngỏ ý muốn chuyển giao sản phẩm.