Gần 2 năm “sống chung với rác”, kỹ sư Lại Minh Chức Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường xây dựng Hà Nội đã chế tạo thành công thiết bị phân loại rác thải rắn tự động điều khiển từ xa.
Loại máy này vượt trội hơn so với nhiều loại máy phân loại xử lí rác đắt tiền đang được nhiều nước sử dụng hiện nay, giải phóng và giảm thiểu sức lao động cho con người trong môi trường độc hại.
Tốt nghiệp trường Đại học kiến trúc Hà Nội - Khoa Xây dựng dân dụng công nghiệp, Năm 2008, kỹ sư Lại Minh Chức quyết định xin nghỉ việc khi đang là nghiên cứu viên khoa học tại Viện Kiến trúc nhiệt đới - Đại học kiến trúc Hà Nội để đầu tư thời gian cho chiếc máy phân loại xử lí rác thải thông minh mới hình thành ý tưởng trong đầu. Trong suốt 9 tháng trời, anh chỉ đi ra ngoài 5 ngày, mỗi ngày ngủ nhiều nhất là 4 giờ, thời gian còn lại anh dành cho các bản vẽ, các chất liệu sắt thép, con số tính toán, vòng bi, tĩnh điện.
Máy phân loại xử lý rác do kỹ sư Lại Minh Chức chế tạo có công suất 150 - 200 tấn/ngày. Máy cho phép xử lí rác tự động, loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa; tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại rác và công suất máy; có thiết bị băm cắt thông minh cho phép tự cắt xé bao, gói và tự lựa chọn loại rác cần cắt nhỏ theo yêu cầu của công nghệ phân loại và tái chế.
Thu gom rác thải để phân loại (Ảnh: Ánh Tuyết)
Ngoài ra, máy còn có thể cắt nhỏ các loại rác hữu cơ có nguồn gốc động thực vật theo yêu cầu của công nghệ ủ sinh học cho khả năng sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho nông nghiệp; nghiền nhỏ rác thải vô cơ (gạch đá, thủy tinh) phục vụ cho công nghệ đóng rắn hoặc san lấp, bỏ qua kim loại và các loại phế thải dẻo để phù hợp với công nghệ tách lọc.
Đặc biệt, quy trình phân loại xử lý đều được thực hiện trong không gian khép kín nên kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh ra môi trường, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh, hoặc gây cháy nổ. Những thiết bị này nhỏ gọn và hiệu quả được tích hợp trong một mô đun có diện tích 20m2. Công nghệ cho phép giảm từ 50 - 70% thể tích chôn lấp so với các công nghệ hiện có, giảm thời gian phân hủy nhờ đó tăng sản lượng và sớm thu hồi được khí gas, thu hồi mùn hữu cơ sinh học nên giảm thời gian quay vòng hố chôn lấp hàng chục năm so với công nghệ hiện nay của các công ty môi trường.
Hiệu quả và những ưu điểm vượt trội mà hiện nay nhiều máy xử lí rác thải trên thị trường trong và ngoài nước chưa đạt được là thay thế 100% lao động sử dụng trong công đoạn phân loại rác bằng tay. Năng lượng điện sử dụng chỉ bằng 30% so với nhà máy Seraphin ở Sơn Tây và công nghệ của Bỉ hiện tại ở Hà Nam.
Sản phẩm trên nằm trong đề tài “tổ hợp thiết bị phân loại rác thải bằng công nghệ tự động điều khiển từ xa” của kỹ sư Lại Minh Chức đã được Hội đồng Sở KH-CN Hà Nam nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc. Nếu kết quả nghiên cứu trên được triển khai ứng dụng nhân rộng để thực hiện chương trình xử lý triệt để rác thải thì với hơn 20.000 tấn rác thải mỗi ngày ở Việt Nam hiện nay không chỉ giải phóng được hàng chục ngàn lao động ra khỏi môi trường lao động nguy hiểm độc hại, còn giúp giảm nhiều lần chi phí phân loại, chi phí đầu tư trang thiết bị nhập ngoại và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, tái chế nguồn tài nguyên có giá trị của Việt Nam, nhất là khi ở Việt Nam chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn.