Miền Bắc đã có ngân hàng máu cuống rốn

  •  
  • 1.457

Sau 1 tháng thành lập, ngân hàng máu cuống rốn (MCR) đầu tiên ở miền Bắc trực thuộc bệnh viện Nhi TƯ đã nhận được hơn 200 mẫu cuống rốn lưu trữ.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, MCR là nguồn nguyên liệu rất giá trị, sau khi được nuôi cấy và biệt hóa thành các loại tế bào sẽ phục vụ điều trị các bệnh cần ghép tế bào gốc như: suy tủy, ung thư máu, thalassemia và nhiều bệnh lý ác tính về máu.

Trước đây, ở Việt Nam chỉ có hai ngân hàng tế bào gốc có khả năng thu thập, xử lý và bảo quản dài hạn các TBG từ máu dây rốn là Bệnh viện Truyền máu, huyết học TPHCM và Ngân hàng tế bào gốc MekoStem (cả 2 đều ở TPHCM). Vì thế, ngân hàng MCR được thành lập tại bệnh viện Nhi TƯ sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của người dân miền Bắc có mục đích lưu trữ MCR.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, việc lưu trữ MCR nhằm đảm bảo trong tương lai nếu chủ nhân không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị có thể sử dụng ngay. Ngoài ra, MCR của em bé cũng có thể dùng cho người thân nếu phù hợp các yêu cầu.

Miền Bắc đã có ngân hàng máu cuống rốn

Việc đăng ký lưu giữ MCR phải thực hiện trước khi đứa trẻ ra đời. Theo đó, nếu có nhu cầu, người mẹ cần đăng kí tại ngân hàng MCR và được hướng dẫn các thủ tục. Đến lúc sản phụ chuyển dạ thì liên hệ lại và sẽ có một nhóm bác sĩ, kỹ thuật của ngân hàng MCR sẽ lấy mẫu máu đưa về ngân hàng xử lý và lưu trữ. Tiêu chuẩn của mẫu máu là sản phụ không bị viêm gan siêu vi, HIV và các bệnh lây qua đường máu.

Ngân hàng MCR dự kiến sẽ lưu trữ khoảng 2.000 mẫu MCR. Số lượng mẫu được lưu giữ sẽ tăng dần qua các năm, trước hết phục vụ điều trị những người lưu giữ khi cần.

Hiện ngân hàng MCR tại Bệnh viện Nhi TƯ đã nhận được hơn 200 mẫu lưu trữ với chi phí là 1.500 USD/năm. Theo ông Liêm, ngoài những trường hợp đăng ký lưu trữ, ngân hàng cũng nhận mẫu MCR mà không thu phí của những người hiến tình nguyện để điều trị nếu có bệnh nhân phù hợp.

Đánh giá về việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ cho rằng, việc này rất có ý nghĩa cho trẻ trong tương tai. “Khi chúng ta gửi tế bào gốc từ máu dây rốn của con, hay gửi tế bào gốc của chính mình vào ngân hàng lưu trữ, không ai trong chúng ta mong muốn phải sử dụng nó. Nhưng không ai có thể nói trước được gì về sức khỏe, nếu không may sau này mắc bệnh, chính nguồn tế bào gốc tự thân đó sẽ là cứu cánh, là phương pháp điều trị tuyệt vời, hiệu quả nhất cho mỗi người”, ông Trí nhấn mạnh.

Vì tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành những tế bào khác nhau trong cơ thể. Mỗi khi một mô nào đó của cơ thể bị thương, bị mất đi do già hóa hoặc chết tự nhiên… thì tế bào gốc sẽ lập tức “sửa chữa”, thay thế cho các tế bào này. Hiện nay ở Việt Nam, tế bào gốc đã được ứng dụng ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, giúp điều trị hiệu quả một số bệnh lý trong nhiều lĩnh vực như bệnh lý giác mạc, bệnh tim, bỏng, huyết học…

Theo Dân trí
  • 1.457