Mổ xẻ máy bay tàng hình Trung Quốc

  •   3,65
  • 9.717

Sự kiện những chiếc chiến đấu cơ đời mới Thành Đô J-20 "Black Eagle" (Đại bàng đen) của Trung Quốc vừa có chuyến bay thử thành công và thu hút sự chú ý của giới quan sát trên toàn cầu. Song sau khi những hào quang đã tan biến, người ta mới thấy rằng chiếc máy bay này quá nhiều nhược điểm để có thể trở thành một chiến đấu cơ tàng hình thuộc thế hệ 5 đúng nghĩa.

Lễ ra mắt của J-22 diễn ra vô cùng hoành tráng, theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Trong nhiều tháng, các phóng viên và giới phân tích phương Tây đã thi nhau đồn đoán về chiếc máy bay đời mới của Trung Quốc khi một số bức ảnh lạ xuất hiện và nhanh chóng biến mất trên mạng Internet, vẽ ra một chiếc máy bay tàng hình mang nhiều đặc điểm lai của máy bay Nga và Mỹ. Cuối tháng 12, những bức ảnh chính thức xuất hiện và theo sau đó là chuyến bay thử thành công của chiếc máy bay nổi tiếng.

Máy bay ném bom?

Bill Sweetman, một phóng viên hàng không kỳ cựu của tuần báo Defense Technology International đánh giá rằng, nhìn qua hình dáng, chiếc máy bay mới trông có vẻ giống máy bay tàng hình và được tối ưu hóa cho các chuyến bay ở độ cao lớn, tầm bay xa. Để tiện so sánh, máy bay của phương Tây thường được thiết kế để “tàng hình” tối đa dưới sóng rađa còn máy bay Nga thường nhấn mạnh tới tốc độ, tầm hoạt động và khả năng mang vũ khí lớn.


J-20 trong chuyến bay thử đầu tiên

 

So với các mẫu F-22 của Mỹ và phiên bản thử nghiệm PAK-FA/T-50 của Nga, mẫu J-20 có kích thước lớn. Sử dụng chiếc xe hậu cần ở dưới mặt đất làm thước đo, Sweetman ước tính J-20 có chiều dài khoảng 23m. Trong khi đó chiếc T-50 chỉ dài 22m và chiếc F-22 dài 20m, chiếc F-35 dài 17m. Kích thước nhấn mạnh nhiều tới vai trò của máy bay. Phần lớn các chiến đấu cơ hiện nay đều có khả năng tấn công mục tiêu ở dưới đất và trên không. Nhưng theo Sweetman, những chiếc máy bay càng lớn thì vai trò thiên về ném bom của nó càng lộ rõ. Dựa vào đó, Sweetman khẳng định rằng J-20 có thể sẽ đóng vai trò giống chiếc máy bay ném bom F-111 của Mỹ.

Sweetman cũng chỉ ra rằng, các yếu tố tàng hình tập trung nhiều ở phần đầu của J-20, với cái mũi mang hình chiếc đục và hộc hút gió hình thang giống mẫu F-22 của Mỹ. Đặc điểm này trở nên hữu dụng khi J-20 cần bay thẳng tới một mục tiêu nằm yên dưới mặt đất mà không bị phát hiện. Đó là lý do để Sweetman càng tin rằng, J-20 đóng vai trò ném bom nhiều hơn là máy bay tiêm kích.

Khả năng tàng hình hạn chế

Các nhà phân tích Carlo Kopp và Peter Goon thuộc tổ chức tư vấn Air Power Australia không đồng tình với ý kiến của Sweetman. Họ đánh giá J-20 là chiếc tiêm kích hạng nặng, được thiết kế để bay sâu vào lãnh thổ đối phương và tiêu diệt các máy bay chỉ huy, tiếp dầu và tổ chức chiến tranh điện tử, vốn đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch không kích của Mỹ.


Mẫu J-20 Đại bàng đen đang gây nhiều chú ý của Trung Quốc

Theo tờ The Diplomat, cả Sweetman và 2 nhà phân tích trên đều có những điểm hợp lý trong quan điểm của họ. Nhưng những khả năng mà họ nêu về vai trò dự kiến của J-20 lại nhấn mạnh rất nhiều tới tính năng tàng hình. Về điểm này, ngoại trừ kiểu dáng ở đầu và hộc hút gió, J-20 chứa rất ít yếu tố tàng hình. Nó thậm chí còn trang bị các cánh phụ, gọi là cánh canard, nằm trước cánh chính. Cánh canard có thể tăng độ ổn định cho các chiến đấu cơ có độ cơ động cao, giúp máy bay có thể xoay vòng nhanh ở tốc độ thấp. Cánh canard được sử dụng để giảm bớt các rung động lên khung máy bay nhưng lại “giúp” giảm rất nhiều yếu tố tàng hình của chiếc máy bay.

Bên cạnh đó, phần đuôi của J-20 không “tàng hình” lắm do 2 ống phụt (nozzle) của nó không được thiết kế để giảm tín hiệu nhiệt. Nó cũng không có các động cơ đẩy vector góc như các máy bay thế hệ 4 nên khó tránh khỏi việc bị rađa đối phương phát hiện. Ngoài ra, một chiếc máy bay tàng hình không chỉ dựa trên kiểu dáng mà còn phụ thuộc vào lớp sơn đặc biệt, vô số các thiết bị cảm biến đi kèm và một hệ thống điện tử vô cùng phức tạp. Những yếu tố này của J-20 vẫn là ẩn số lớn.

Khó trang bị trong tương lai gần

Sau khi xem xét các đặc điểm, giới phân tích cho rằng mẫu J-20 mới xuất hiện có vai trò của máy bay ném bom nhiều hơn và có thể phục vụ cho những chiến dịch không kích của Trung Quốc nhằm vào các mục tiêu mặt đất. Nhưng cũng không loại trừ J-20 chỉ đóng vai trò một thiết bị trình diễn các công nghệ mới. Có rất nhiều những máy bay như thế đang treo trong các nhà kho và bảo tàng Mỹ như mẫu YF-23 bay từ giữa những năm 1990 trông rất giống chiếc J-20. Nga cũng đã sản xuất những chiếc MiG-1.44 và Su-47. Cả hai đều có ngoại hình và những thông số rất ấn tượng nhưng chưa bao giờ đi vào sản xuất hàng loạt.

Ngay cả khi J-20 được lựa chọn đưa vào trang bị, người ngoài cuộc cũng không bao giờ có thể biết khi nào những chiếc máy bay đó sẽ xuất hiện hàng loạt trong quân đội Trung Quốc. Tướng He Weirong, Phó Tư lệnh Không quân Trung Quốc nói vào năm 2009 rằng, một chiến đấu cơ tàng hình của nước này sẽ thử nghiệm và được triển khai “trong vòng 8-10 năm”. Đó là một khoảng thời gian siêu tốc bởi mẫu F-22 cần tới 15 năm nghiên cứu và phát triển mới có thể thành một chiếc chiến đấu cơ hoàn chỉnh.

Mẫu F-35 dự kiến cũng phải mất tới 16 năm theo sau hoạt động thử nghiệm đầu của chiếc X-35 diễn ra hồi năm 2000. Sukhoi dự kiến sẽ bàn giao chiếc PAK FA/T-50 đầu tiên cho quân đội Nga vào năm 2015, chỉ 6 năm sau chuyến bay đầu tiên của mẫu thử nghiệm. Nhưng người Nga có truyền thống cho bay thử vài chục chiếc máy bay đời mới để tinh chỉnh, trước khi sản xuất chúng ở sử dụng quy mô lớn. Vì thế, tuyên bố của ông Weirong có vẻ mang nhiều hơi hướm lạc quan.

Ngay cả khi J-20 xuất hiện, chưa ai có thể đóan chắc rằng, nó sẽ là vũ khí hoạt động hiệu quả. Richard Aboulafia, một nhà phân tích ở tập đoàn US Teal Group tuyên bố trên tờ Defense Tech rằng, một chiến đấu cơ hiện đại cần 11 yếu tố hỗ trợ để trở nên hiệu quả, bao gồm kế hoạch chi tiết, phi công điều khiển tài năng và có kỷ luật, nhân viên bảo trì mặt đất trình độ cao, vũ khí chính xác, rađa hiện đại và các hệ thống bên trong máy bay, rađa phát hiện đối phương do các máy bay hỗ trợ cung cấp, máy bay tiếp dầu đáng tin cậy... Theo Diplomatic, trong các yếu tố trên, Bắc Kinh mới chỉ làm chủ được 1 yếu tố duy nhất, chính là cái xác máy bay, sau khi đã trừ đi phần động cơ.

Theo Thể thao Văn hóa
  • 3,65
  • 9.717