Mống mắt nhân tạo phản ứng với ánh sáng như mắt người

  •  
  • 875

Nghiên cứu thành công mống mắt nhân tạo của các nhà khoa học Phần Lan đã mở ra một hy vọng mới cho việc phát triển bộ phận cấy ghép trên mắt người trong tương lai.

Mống mắt người có nhiệm vụ điều chỉnh kích thước đồng tử và giúp đo lượng ánh sáng đi vào võng mạc. Thiết kế khẩu độ máy ảnh cũng lấy nguyên ý từ cách hoạt động của mống mắt. Ngay cả những chiếc máy ảnh point-and-shot cũng phụ thuộc vào những cơ chế kiểm soát phức tạp để giữ cho ảnh không bị phơi sáng quá mức.

Mống mắt người giúp đo lượng ánh sáng đi vào võng mạc.
Mống mắt người giúp đo lượng ánh sáng đi vào võng mạc.

Theo Engadget, một mống mắt nhân tạo cũng có thể giúp tự động điều chỉnh kích thước dựa vào độ sáng của môi trường. Đây là nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Tampere, Phần Lan.

Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu vật liệu quang tử học thông minh đã phát triển thành công một mống mắt nhân tạo, sử dụng chất đàn hồi tinh thể lỏng có khả năng nhạy sáng. Nhóm cũng sử dụng kỹ thuật photoalignment trong vật lý, giúp định vị chính xác các phân tử tinh thể lỏng theo một hướng xác định từ trước với dung sai chỉ vài picomet.

Mống mắt nhân tạo giống như một chiếc kính áp tròng.
Mống mắt nhân tạo giống như một chiếc kính áp tròng.

Kỹ thuật này khá giống với kỹ thuật được sử dụng trên các mẫu TV LCD giúp cải thiện góc nhìn và tăng độ tương phản, và sau này cũng được áp dụng trên màn hình smartphone. Theo giáo sư Arri Priimägi cho biết: "Mống mắt nhân tạo giống như một chiếc kính áp tròng. Phần trung tâm của nó mở ra và đóng lại dựa vào lượng ánh sáng chiếu vào".

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục phát triển công nghệ này trở thành một thiết bị y sinh có thể cấy ghép. Tuy nhiên trước khi sản xuất thực tế, các nhà nghiên cứu sẽ cần cải thiện độ nhạy sáng của mống mắt, giúp chúng có thể thích nghi với sự thay đổi ánh sáng dù nhỏ nhất. Bên cạnh đó, thiết bị cũng cần có khả năng hoạt động ngay cả trong môi trường nước.

Cập nhật: 27/06/2017 Theo vnrview
  • 875