Một nửa dân số thế giới đang sống trên 1% diện tích Trái Đất

  •  
  • 4.314

Cho dù dân số thế giới có đạt mốc 11 tỷ người vào cuối thế kỷ thì không thể nói rằng chúng ta không đủ chỗ cho tất cả mọi người.

Ngay tại thời điểm này, dân số thế giới đang ở mức 7,3 tỷ người. Tuy nhiên, bạn có tin nổi không khi một nửa nhân loại đang sống trên 1% diện tích Trái Đất? Đó là con số được Max Galka, một chuyên gia phân tích dữ liệu, tổng hợp lại từ nguồn của NASA. Nhiều người vẫn lo lắng rằng chúng ta sẽ không còn không gian sống khi dân số chạm mốc 11 tỷ vào cuối thể kỷ, có lẽ họ nên suy nghĩ lại.

Tấm bản đồ chia nửa dân số thế giới.
Tấm bản đồ chia nửa dân số thế giới.

Tấm bản đồ này được Max Galka tạo ra dựa trên Dữ liệu dân số thế giới dạng lưới (GPW). Đây là bộ số liệu có độ phân giải cao được tổng hợp bởi Trung tâm Dữ liệu kinh tế xã hội và ứng dụng (SEDAC), một trong 12 trung tâm quan sát Trái Đất của NASA.

Thay vì chia sự phân bố dân số theo vùng địa lý và địa giới hành chính như các quốc gia hoặc tiểu bang, dữ liệu GPW của NASA sẽ chia bề mặt Trái Đất là thành 28 triệu ô vuông đều nhau với kích thước khoảng 23km2 . Tấm bản đồ được Galka vẽ lại từ dữ liệu này cho thấy chúng ta đang tự chia thế giới làm 2 nửa: một nửa đang nhốt mình trong 1% diện tích Trái Đất màu vàng, nửa còn lại sống trong 99% diện tích màu đen.

Châu Âu.
Châu Âu.

Các khu vực màu vàng trên bản đồ là những ô vuông có dân số 8.000 người trở lên. Điều đó có nghĩa là mật độ dân số ở đây trên mức 350 người/km2, tương đương thấp nhất cũng phải ngang bằng trạng thái của Massachusetts, Hoa Kỳ.

Ngược lại, các khu vực màu đen là gộp lại của những ô vuông có dân số ít hơn 8.000 người. Nói một cách khác, mật độ dân số ở đây dưới ngưỡng 350 người/km2.

Bạn có thế dễ dàng nhận thấy hầu hết những khu vực màu vàng đang nằm ở Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc. Tập hợp những khu vực này chứa tới 46% dân số thế giới.

Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Trung Quốc.
Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phải kể đến đảo Java thuộc Indonesia. Với một kích thước chỉ tương đương Tiểu bang New York, nơi đây có dân số lên đến 140 triệu người. Điều đó khiến Java trở thành đảo đông dân nhất thế giới.

Ở vị trí thứ 2 là Nhật Bản. Mặc dù chỉ hiện lên những đốm vàng mờ nhạt hơn các khu vực khác của Châu Á, Tokyo của Nhật Bản vẫn nổi tiếng là thành phố đông dân nhất thế giới với khoảng 37 triệu người.

Indonesia và Nhật Bản.
Indonesia và Nhật Bản.

Mặc dù vậy, ô vuông giữ kỷ lục trong số liệu của NASA không thuộc bất kỳ khu vực nào ở trên. Nó thuộc về Cairo, thủ đô của Ai Cập. "Khu vực 9 dặm vuông này chứa khoảng hơn 1 triệu người", Galka nói.

Một khu vực Bắc Phi đen thẫm, ngoại trừ Cairo.
Một khu vực Bắc Phi đen thẫm, ngoại trừ Cairo.

Trong khi thực hiện hình ảnh hóa số liệu của NASA, Galka cũng nhận ra một sự thật thú vị. Tấm bản đồ cho thấy sự phân bố dân số của riêng Hoa Kỳ phản ánh đúng thực trạng của nửa còn lại thế giới.

"Thật trùng hợp, một nửa dân số Mỹ cũng đang sống trong những phần màu vàng, một nửa còn lại trong vùng đen của lãnh thổ", Galka ghi chú trên trang của mình.

Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ.

Galka cũng bàn về dự đoán dân số thế giới đạt mốc 11 tỷ vào năm 2100. Nhìn lại những vùng màu vàng bị cô lập, 1% có vẻ là con số đáng ngạc nhiên. Những vùng màu đen đang bao phủ 99% diện tích Trái Đất, trong đó đặc biệt phải kể đến Châu Phi. Lục địa này đang có tốc độ gia tăng dân số lớn nhất thế giới.

Dự báo tốc độ tăng trưởng dân số của Liên hợp quốc.
Dự báo tốc độ tăng trưởng dân số của Liên hợp quốc.

Cuối cùng, thông điệp mà chúng ta có thể thấy qua tấm bản đồ là gì? Cho dù dân số thế giới có đạt mốc 11 tỷ người vào cuối thế kỷ, không thể nói rằng chúng ta không đủ chỗ cho tất cả mọi người. Sự khó khăn duy nhất lúc này là bằng cách nào đó có thể phân bố dân cư một cách hợp lý trong tương lai. Nói là khó khăn, nhưng có lẽ nó còn dễ dàng hơn việc đưa một nửa nhân loại lên sao Hỏa.

Cập nhật: 11/01/2016 Theo VnExpress
  • 4.314