Dù lái "lụa" đến mức nào đi nữa, họ cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức trong khi đua, chẳng hạn như mức lực G lớn, lượng nhiệt cao và áp lực lên cơ.
Công thức 1 (F1) là thể thức đua ô tô một ghế ngồi đẳng cấp nhất trên thế giới và tốc độ cao nhất của một chiếc xe hơi F1 khi đua có thể lên tới gần 500 km/h. Với áp lực và tốc độ khủng khiếp như vậy, tác dụng phụ mà những tay lái sẽ phải trải qua khi lựa chọn nghề nghiệp này là gì?
Các tay đua F1 luôn phải duy trì nền tảng thể lực đỉnh cao.
Các tay đua F1 có được coi là một vận động viên thể thao? Vì rốt cuộc, họ chỉ ngồi trong một chiếc xe và lái vòng quanh một cung đường lặp đi lặp lại. Bạn cho rằng công việc này chỉ đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các khối cơ là có thể dễ dàng hoàn thành? Nó không giống như các vận động viên thể thao chuyên nghiệp, phải chạy bằng chính đôi chân của mình, thử thách thể lực và sức chịu đựng của cơ thể.
Nếu nghĩ như vậy thì có lẽ bạn đã nhầm!
Các tay đua F1 luôn phải duy trì nền tảng thể lực đỉnh cao, vì việc điều khiển những chiếc xe "quái thú" ở một tốc độ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng như vậy sẽ đẩy cơ thể của họ đến những giới hạn vượt xa so với một số môn thể thao chuyên nghiệp. Đó là lý do vì sao một chặng đua sẽ không kéo dài quá 2 tiếng đồng hồ. Vì sự an toàn của những tay đua nên việc giới hạn thời gian này luôn được thực hiện nghiêm ngặt.
Các cuộc đua cạnh tranh đòi hỏi một mức độ thể lực đáng nể từ người lái, tương tự như các
vận động viên đỉnh cao khác. (Ảnh: Kuznetsov Alexey/Shutterstock).
Đua xe F1 đặt ra rất nhiều căng thẳng về mặt thể chất cho tất cả các bên tham gia, nhưng các tay đua sẽ chịu áp lực nhiều hơn so với đội đua của mình. Các tác nhân căng thẳng mà họ phải đối mặt bao gồm lực G, sốc nhiệt và cơ bắp quá tải.
Lực khí động học đạt được khi điều khiển một chiếc xe hạng nhẹ ở tốc độ cao, kết hợp với một hệ thống phanh hiệu quả, sẽ dẫn đến lực tác động lên người lái theo phương ngang, phương dọc và thẳng đứng.
Những tay đua công thức 1 sẽ phải chịu được lực theo gia tốc thẳng đứng lên tới 3 g, tương tự như áp lực một phi hành gia phải trải qua trong quá trình phóng tàu vũ trụ vào không gian. Trên Trái đất, con người sẽ phải chịu một lực 1 g hoặc 9.8m/s. Điều này có nghĩa các tay đua nhận áp lực gấp 3 lần lực hấp dẫn thông thường.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc phải chịu đựng mức lực G cao như vậy, cùng với tần suất và tốc độ thay đổi của nó khi các tay đua chuyển hướng gấp và liên tục tăng, giảm tốc, sẽ làm tiêu thụ một lượng lớn năng lượng của người lái.
Mark Webber, cựu tay đua F1 của Red Bull, cho biết anh thường xuyên phải nín thở vài lần khi lái vì rất khó để thở bình thường khi mức lực G lớn hơn 3. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra ở mức 2-3 g, thị lực của người lái sẽ bị mờ đi và thị lực ngoại vi cũng giảm sút.
Một trong những yếu tố tồi tệ nhất trong môn thể thao này là nhiệt độ cực kỳ lớn mà các tay đua phải chịu đựng khi lái ở tốc độ cao. Tay đua sẽ phải mặc nhiều lớp quần áo chống cháy (chẳng hạn như Proban hoặc Nomex), và những thứ này đều giữ nhiệt. Yếu tố đó kết hợp với lượng nhiệt tỏa ra từ động cơ xe có thể khiến người lái mất đến 5% tổng lượng chất lỏng trong cơ thể thoát ra dưới dạng mồ hôi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này có thể gây ra tình trạng mất nước, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và phối hợp vận động.
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng ở nhiệt độ cao, người lái sẽ dễ bị tai nạn hơn do sự mất tập trung khi cơ thể bị căng thẳng do nhiệt độ.
Một tay đua F1 có thể mất từ 2-4kg mỗi chặng đua.
Thêm vào đó, việc sử dụng cơ bắp để nhấn ga hoặc phanh đối với những chiếc xe mãnh thú này không hề đơn giản, nhất là khi so với bất kỳ một chiếc xe nào khác.
Người lái phải tác động một lực khoảng 62 kg (lực cần thiết để thực hiện một lần nâng 60kg với máy tập đùi thông thường) vào bàn đạp phanh và trong khoảng 100 phút đua, người lái sẽ phải thực hiện thao tác này hơn 250 lần. Khi xoay vô lăng, sẽ cần khoảng 15kg lực quay mỗi lượt và hành động này xảy ra khoảng 1000 lần mỗi vòng đua. Tổng hợp tất cả những thứ ở trên lại với nhau, có thể kết luận rằng tay đua F1 thực hiện mức vận động thể chất tương tự như các vận động viên chuyên nghiệp.
Trạng thái tỉnh táo cao độ của tay lái sẽ làm tăng thêm phần căng thẳng cảm xúc. Nghiên cứu được thực hiện trên các tay đua đã phát hiện ra rằng nhịp tim của họ có thể lên đến 190 lần một phút trong một cuộc đua.
Ngoài những tác động đã được liệt kê chi tiết ở trên, nhiều suy đoán cho rằng những xung động từ xe và động cơ khi điều khiển ở tốc độ cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng tri giác, vận động và nhận thức của những tay đua hàng đầu này. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để định lượng mức độ căng thẳng do những xung động toàn thân này gây ra.
Một tay đua F1 cần phải cực kỳ khỏe mạnh, cả về tinh thần và thể chất. Yêu cầu luôn nhạy bén, tập trung, đủ nước trong cơ thể và tỉnh táo trong suốt các cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Và không giống như các vận động viên thể thao chuyên nghiệp khác, họ phải thực hiện công việc này trong điều kiện lực G rất cao, ảnh hưởng đến tinh thần của họ.
Một tay đua F1 cần phản xạ cực kỳ tốt, đặc biệt là khi phản ứng để bẻ lái nhanh chóng tránh va chạm. Tốc độ phản ứng của một tay đua công thức 1 ở hạng trung bình là 0.1 giây, trong khi ở người bình thường là 0.3 giây.
Các tay đua F1 thường xuyên tập gym và luyện tăng cường sức mạnh phần cơ cổ, cơ bắp tay trước, cơ bắp tay sau và phần cơ trung tâm. Họ cũng không bỏ qua ngày tập chân vì họ cần sức mạnh từ bắp chân để đạp phanh và chân ga. Các nghiên cứu đã kết luận rằng các tay đua F1 có cơ cổ khỏe nhất so với các dạng tay đua khác. Đây là một yêu cầu để ngăn ngừa chấn thương cổ do phần cổ bị giật mạnh bất ngờ, một kết quả của việc chịu tác động từ lực G lớn trong khi đánh lái ở tốc độ cao.
Một tay đua F1 cần phản xạ cực kỳ tốt.
Các tay đua F1 đỉnh nhất sẽ sử dụng trọng lượng lên đến 40kg cho bài tập cơ cổ vì trong một số trường hợp khi đánh lái vào cua gấp, họ có thể chịu lực phanh cao lên tới 6 g.
Các tay đua công thức 1 cũng giống như các vận động viên chuyên nghiệp và do nhu cầu thể chất của giải đua F1, họ luôn phải tập thể dục thường xuyên và tuân theo một chế độ ăn uống cực kỳ nghiêm ngặt và lành mạnh.
Hàng triệu đô đã được chi mỗi năm đầu tư phát triển giao diện người dùng của những chiếc xe đua, để chúng được tối ưu hóa tốt hơn nhằm phù hợp với yêu cầu về thể chất và tinh thần của môn đua xe khắc nghiệt và bào mòn sức lực này.