Nhóm nhà khoa học từ 26 nước trên thế giới kêu gọi các chính phủ chi một tỷ USD cho nỗ lực khoan xuyên qua vỏ địa cầu để lấy mẫu vật chất.
Tàu Chikyu sẽ khoan xuống lớp phủ để lẫy mẫu vật chất. (Ảnh: AP)
Integrated Ocean Drilling Program (IODP) là tên của một chương trình nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu thuộc 26 quốc gia - như Viện Nghiên cứu Hải dương châu Âu tại Pháp, Đại học Kyushu tại Nhật Bản, Trung tâm Hải dương Quốc gia Anh, Viện Hải dương Wood Holes tại Mỹ, Đại học Bremen tại Đức. Mục đích của chương trình là lấy mẫu vật chất từ lớp phủ trái đất để nghiên cứu, theo dõi và đo lường môi trường bên dưới đáy đại dương.
Lớp phủ là lớp đá có độ dày khoảng 2.900km bên dưới vỏ trái đất. Nó chiếm khoảng 68% thể tích của hành tinh.
Mới đây các nhà nghiên cứu của IODP đã kêu gọi các chính phủ ủng hộ ý tưởng khoan tới lớp phủ để tìm hiểu các bí mật ở đây. Theo tính toán của họ, chi phí dành cho ý tưởng là một tỷ USD, CNN đưa tin.
Nằm bên dưới vỏ trái đất, lớp phủ (màu đỏ) có độ dày khoảng
2.900km và chiếm 68% thể tích của hành tinh. (Ảnh: astrobio.net)
Chikyu, tên một tàu được thiết kế để khoan đáy đại dương của Nhật Bản, sẽ thực hiện ý tưởng. Hồi tháng 9 tàu Chikyu từng lập kỷ lục thế giới khi mũi khoan của nó tới độ sâu 2,466km. Để lấy vật chất từ lớp phủ, mũi khoan của tàu Chikyu sẽ phải tới độ sâu gấp ba lần kỷ lục mà nó vừa lập.
Quá trình khoan tới lớp phủ của địa cầu sẽ diễn ra trong vài năm do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là mũi khoan không thể tồn tại lâu. Mỗi mũi khoan chỉ tồn tại trong khoảng 50 tới 60 giờ. Sau đó chúng người ta phải thay mũi khoan mới.
“Đây là dự án phức tạp và khó khăn nhất trong lịch sử ngành khoa học trái đất”, Damon Teagle, một trong những người điều hành chương trình, phát biểu.
Nếu yêu cầu về kinh phí của IODP được đáp ứng, tàu Chikyu sẽ bắt đầu khoan trong thập kỷ này và mũi khoan có thể tới lõi trái đất vào đầu năm 2020.
Những mẫu vật chất trong lớp phủ sẽ giúp giới khoa học hiểu hoạt động và quá trình tiến hóa của địa cầu.