Chiếc đĩa ánh sáng khổng lồ của thiên hà Milky Way bị cong vênh và xoắn lại khó hiểu. "Hung thủ" có thể là thứ phổ biến nhất và cũng ma quái, bí ẩn nhất vũ trụ.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Jiwon Jesse Han từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (CfA) đã tìm hiểu bí ẩn lâu đời về một thứ gì đó khổng lồ, vô hình dường như đang khiến đĩa thiên hà chứa Trái đất Milky Way (Ngân hà) bị cong vênh, xoắn lại.
Họ chỉ ra thủ phạm chính là "vật chất tối", loại vật chất vô hình chiếm phần lớn khối lượng của cả vũ trụ, theo nhiều ước tính trước đó.
Một quầng vật chất tối vô hình đang bọc lấy Milky Way, bị méo mó và khiến đĩa Thiên hà bị cong vênh theo - (Ảnh: CfA).
Một quầng vật chất tối méo mó, bao bọc và thấm vào thiên hà của chúng ta đã tạo ra sự cong vênh kỳ lạ đó.
Theo tiến sĩ Han, quầng tối này nghiêng cùng hướng với quầng sao, được tiết lộ qua dữ liệu về chính quầng sao lệch lạc của thiên hà. Tuy không nhìn thấy được nhưng nó vẫn khuếch tán khí xung quanh các ngôi sao, do đó để lại dấu vết.
Khối đen tối, ma quái đó lớn đến nỗi gần như ôm trọn cả Milky Way.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình dựa trên kịch bản này, với quầng tối nghiêng khoảng 25 độ, đồng thời tính toán quỹ đạo của các ngôi sao và khí trong thiên hà trong 5 tỉ năm.
Mô hình cho thấy sự trùng khớp hoàn hảo với các quan sát của vệ tinh Gaia về Milky Way, một chiến binh lập bản đồ bầu trời của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và cũng là thứ giúp nhân loại có cơ hội biết rõ hình dạng thiên hà mình đang trú ngụ.
Tuy nhiên, cách mà nó ôm lấy thiên hà không những không đáng ngại mà còn có thể mở ra cánh cửa mới để các nhà thiên văn tìm hiểu về lịch sử hình thành của Milky Way.