Ít nhất 20% số người trong chúng ta từng trải qua những nỗi buồn mang tên “mùa đông". Đây không chỉ là biểu hiện thay đổi về mặt tình cảm mà còn là một dạng của chứng rối loạn tình cảm theo mùa.
Mùa đông đến là khi nhiệt độ xuống thấp và ánh sáng ban ngày mờ nhạt, kém sắc hơn những mùa còn lại trong năm. Đa phần mọi người đều bắt đầu cảm thấy làm việc chậm chạp hơn, dễ buồn rầu hoặc bị mắc kẹt trong một nỗi sợ hãi nào đó.
Theo các chuyên gia tâm lý, đó là những triệu chứng điển hình về tinh thần của một người bị rối loạn tình cảm theo mùa, một loại bệnh trầm cảm thường xảy ra trong mùa đông. Các biểu hiện về thể chất thì bao gồm: Ngủ quá nhiều, ăn quá nhiều, nhanh tiêu hao năng lượng, ngại đi lại và khó tập trung.
Ảnh: fanpop.com
Rối loạn tình cảm do đâu? Ánh sáng mặt trời đi vào não qua đôi mắt, kích thích việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, hỗ trợ chức năng hoạt động của tế bào thần kinh, bao gồm cả tâm trạng. Kết quả: ít ánh sáng sẽ dẫn đến mức độ serotonin thấp. Ánh sáng yếu kích thích việc sản xuất melatonin, thúc đẩy giấc ngủ. Sự kết hợp của việc giảm serotonin và tăng melatonin gây ra rối loạn tình cảm.
Người dân ở vùng khí hậu phía Bắc có nhiều khả năng bị rối loạn tình cảm nhiều hơn vì thời tiết 4 mùa và có mùa đông lạnh.
Có rất nhiều người đã trải qua những nỗi buồn chán khó hiểu trong mùa đông. Tuy nhiên, không ít người có những triệu chứng nghiêm trọng hơn thế. Đừng coi thường dạng bệnh lý đặc biệt này bởi nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến học tập và công việc của bạn trong nhiều tháng trời.
Hãy tìm sự giúp đỡ quan trọng từ những người đặc biệt nếu bạn bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng hoặc có những suy nghĩ tiêu cực, gây bất lợi cho chính bản thân mình. Bên cạnh đó, có một số thủ thuật đơn giản khác để giữ cho bạn có một tâm trạng và nội lực ổn định trong suốt mùa đông:
* Hãy ra ngoài. Không gì có thể thay thế nguồn ánh sáng của tự nhiên. Nếu bạn phải làm việc cả ngày, hãy cố gắng ra đường, đi bộ, hít thở không khí ngoài trời trong thời gian nghỉ hoặc ăn trưa.
* Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần trong vòng 30 phút.
* Tương tác với gia đình và bạn bè thường xuyên.