Những người yêu thích thiên văn trên khắp thế giới sẽ có cơ hội quan sát trận mưa sao băng Eta Aquarids đạt cực đại vào giữa tuần này.
Mưa sao băng Eta Aquarids diễn ra hàng năm từ ngày 19/4 đến 28/5, mang đến một màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục có thể quan sát thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm. Năm nay, sự kiện sẽ đạt cực đại vào đêm mùng 4 và rạng sáng 5/5 với khoảng 50 vệt sáng mỗi giờ, theo chuyên gia về thiên thạch Bill Cooke từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ.
Một vệt sao băng Eta Aquarids sáng chói trên bầu trời đêm ở đảo Java của Indonesia. (Ảnh: Justin Ng)
Eta Aquarids có độ sáng trung bình, vì vậy người xem nên tìm một vị trí cách xa ánh đèn thành phố để quan sát tốt nhất. Mặt trăng sẽ ở giai đoạn lưỡi liềm và tỏa sáng khoảng 15% khi mưa sao băng đạt cực đại.
Eta Aquarids có nguồn gốc từ các mảnh vỡ của sao chổi Halley. Tên gọi của nó được đặt theo Eta Aquarii, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Bảo Bình. Vị trí của chòm sao này chính là nơi tập trung nhiều vệt sáng nhất.
Đối với những người ở Bắc bán cầu, mưa sao băng sẽ không xuất hiện quá cao trên bầu trời. Do đó, nếu ở khu vực này, bạn sẽ cần một bầu trời tối với đường chân trời phía nam tương đối rõ ràng để quan sát các vệt sáng.
Những người theo dõi ở Nam bán cầu và đường xích đạo sẽ có tầm nhìn tốt nhất, vì chòm sao Bảo Bình nổi bật hơn trên bầu trời phía nam. Đêm cũng dài hơn ở Nam bán cầu khi ngày đông chí tháng 6 đang đến gần.
Mưa sao băng xảy ra khi các mảnh vỡ từ sao chổi lao vào bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy. Những mảnh vỡ này ban đầu có cùng quỹ đạo bay với sao chổi, nhưng dần bị lệch hướng do có tốc độ di chuyển khác biệt cũng như ảnh hưởng từ lực hấp dẫn, áp suất bức xạ và khí liên hành tinh, Cooke giải thích.