Ảnh: wordpress.com.
Cơ thể mỗi chúng ta có một mùi đặc trưng, giống như mỗi ngón tay có một dấu vân riêng, và nó không thay đổi ngay cả khi chúng ta chuyển sang chế độ ăn khác.
Giới khoa học biết rằng động vật có vú, như chuột, sóc, hươu và cả con người, có mùi cơ thể đặc trưng được quy định trong gene. Mùi cơ thể giúp chúng nhận ra một cá thể trong đám đông, thậm chí trong việc tìm bạn tình.
Mùi cơ thể được quyết định một phần bởi các gene đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch và được tìm thấy trong phần lớn động vật có xương sống.
Thông tin về mùi được truyền khắp cơ thể thông qua các dịch lỏng như nước tiểu và mồ hôi. Những dịch lỏng này chứa nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có khả năng giải phóng mùi. Những người từng tập thể thao trong một căn phòng nhỏ và kín có thể cảm nhận được sự tồn tại của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.
Thức ăn của động vật và con người có thể tác động tới mùi cơ thể. Tỏi là một ví dụ điển hình nhất.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu các giác quan Monell ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ muốn tìm hiểu xem liệu việc thay đổi thực phẩm và chế độ ăn có làm thay đổi mùi đặc trưng của cơ thể động vật hay không.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm đối với chuột. Họ nhốt chúng vào nhiều lồng, mỗi lồng có 2-4 con trong một thời gian dài để chúng kết bạn với nhau rồi bắt mỗi lồng một con để tạo thành một nhóm. Chúng được huấn luyện để tìm kiếm bạn bằng mũi khi có hiệu lệnh. Những con còn lại được chia thành nhiều cặp. Các nhà nghiên cứu phân tích nước tiểu của lũ chuột để xác định các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.
Sau đó, các chuyên gia cho nhóm được huấn luyện phân biệt tìm bạn trong nhóm thứ hai. Cứ sau mỗi lần như thế họ lại thay đổi thức ăn của chuột và lặp lại thí nghiệm. Kết quả cho thấy lũ chuột luôn xác định chính xác bạn của chúng mặc dù mùi cơ thể thay đổi khá nhiều bởi thức ăn. Kết quả phân tích nước tiểu cho thấy số lượng và nồng độ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong nước tiểu cũng không thay đổi.
“Phát hiện này phù hợp với giả thiết cho rằng mùi cơ thể là bất biến, giống như vân tay hoặc mẫu ADN. Nó cho thấy mùi là một trong những công cụ đáng tin cậy để nhận dạng các cá thể. Nếu điều này được chứng minh trên cơ thể người, chúng ta có thể chế tạo các thiết bị giúp phát hiện các cá nhân dựa trên mùi của họ”, Gary Beauchamp, một chuyên gia sinh học hành vi của Trung tâm Monell, phát biểu.
Gary nói thêm rằng những biện pháp tương tự đã được sử dụng để chẩn đoán bệnh dựa vào những khác biệt về mùi vị. Phát hiện mới có thể mở đường cho việc phát triển những cảm biến điện tử giúp phát hiện và chẩn đoán nhanh ung thư da, ung thư phổi và một số bệnh do virus gây nên.