Trong một phòng thí nghiệm chật hẹp, ẩm thấp tại London, những đàn muỗi vo ve trong chiếc lồng phủ lưới đang được nghiên cứu tìm ra biện pháp kiểm soát bệnh sốt rét.
Các nhà khoa học đã tiến hành biến đổi di truyền cho hàng trăm con muỗi với hy vọng ngăn chặn chúng truyền căn bệnh chết người.
Đối mặt với cuộc chiến lâu dài với bệnh sốt rét, các nhà khoa học hiện đang khám phá các cách thức mới mà chỉ cách đây vài năm còn bị coi là cường điệu hóa.
Andrea Crisanti – chuyên gia về sốt rét chịu trách nhiệm biến đổi di truyền cho những con muỗi tại đại học Imperial London – cho biết: “Chúng ta không có sẵn những thứ có thể dựa vào. Đã đến lúc phải tạo nên một điều mới mẻ”.
Sốt rét đã lấy đi sinh mạng của gần 3 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, chủ yếu tại vùng cận sa mạc Sahara, châu Phi. Hàng triệu chiếc màn chống muỗi đã được phân phát, các làng mạc đều được phun thuốc diệt muỗi. Nhưng bằng ấy biện pháp vẫn không làm suy chuyển đáng kể tình trạng mắc bệnh sốt rét.
Sau thất bại của một loạt các biện pháp, Liên Hợp Quốc mới đây đã tuyên bố thực hiện chiến dịch cung cấp màn chống muỗi cho bất cứ ai có nhu cầu đến năm 2010. Một số nhà khoa học cho rằng tạo muỗi đột biến chống lại căn bệnh sẽ cho hiệu quả cao hơn.
(Ảnh: Getty Images) |
Quỹ Bill & Melinda nhận thấy kế hoạch này rất hứa hẹn nên đã đầu tư gần 30 triệu đô la vào chiến dịch biến đổi gen nhằm ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt rét hay sốt xuất huyết.
Tiến sĩ Regina Rabinovich – giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Quỹ Gates – cho biết: “Đây là một trong những cải tiến công nghệ cao với nhiều nguy cơ nhưng sẽ mang lại thay đổi cơ bản trong cuộc chiến giữa con người và loài muỗi”.
Những con muỗi sinh ra miễn dịch với sốt rét có thể phá vỡ chu trình lây lan của căn bệnh. Rabinovich nói: “Đây chính là biện pháp kiểm soát bệnh sốt rét lý tưởng. Nó sẽ mang lại những biến đổi tiềm năng”.
Năm 2005, Crisanti đã chứng minh có thể tạo ra muỗi biến đổi về mặt di truyền bằng cách chèn một gen làm con đực phát màu xanh huỳnh quang.
Trong số các khả năng khác, ông cùng nhóm nghiên cứu hiện đang dự tính tạo muỗi đực vô sinh để giao phối với muỗi cái trong môi trường tự nhiên, từ đó hạn chế quần thể muỗi tăng trưởng. Họ cũng cố gắng tạo muỗi chống lại bệnh sốt rét.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Hoa Kì đã tạo thành công muỗi chống một dạng bệnh sốt rét truyền nhiễm trên chuột. Người ta cũng tiến hành biến đổi ADN của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Nhưng không phải ai cũng cho rằng những con muỗi “siêu năng lực” này lại là ý tưởng hay. Một số nhà khoa học nói rằng còn có quá nhiều câu đố di truyền cẩn phải giải đáp để những con muỗi đột biến hoạt động hiệu quả.
Theo Jo Lines – chuyên gia nghiên cứu bệnh sốt rét tại trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh London, mầm bệnh sốt rét được muỗi truyền vào cơ thể người rất giỏi lẩn tránh bất cứ biện pháp nào các nhà khoa học tạo ra để bảo vệ vật chủ của chúng.
Lines cho biết: “Mầm bệnh sốt rét có rất nhiều biện pháp để liên tục chiến thắng chúng ta”. Bất cứ khi nào những con muỗi hình thành gen chống mầm bệnh sốt rét, thì mầm bệnh luôn luôn tìm ra cách để đối phó lại.
Số lượng cũng là một vấn đề nữa. Lines nói: “Chúng ta sẽ cần tạo ra hàng tỉ con muỗi đột biến nếu muốn tình trạng được cải thiện”.
Một số nhà môi trường học lo lắng rằng muỗi đột biến có thể tàn phá hệ sinh thái.
Gallian Madill – người tham gia chiến dịch kỹ thuật di truyền tại tổ chức Friends of the Earth tại Washington – đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thể chỉ cung cấp màn chống muỗi cho mọi người thay vì tìm kiếm các kỹ thuật phức tạp để cải thiện tình trạng nhưng lại tạo nên trạng thái cân bằng mong manh của tự nhiên và lịch sử tiến hóa?”
Rabinovich đề nghị tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt trước khi thả bất cứ con muỗi đột biến nào ra môi trường tự nhiên. Bà nói: “Lừa dối mẹ Thiên nhiên là không tốt. Nhưng nếu chúng ta có thể tìm ra biện pháp khác để đối phó với căn bệnh sốt rét, thì chúng ta cũng không thể cứ tiến hành mà không đánh giá trọn vẹn biện pháp đó”.
Năm tới Crisanti hy vọng hoàn tất kế hoạch giải phóng kiểm nghiệm muỗi đột biến tại miền nam Italy. Tại đó, hàng triệu con muỗi sẽ được kiểm soát lỏng lẻo trong những cái lồng lớn nhằm đánh giá một số vấn đề như chúng sẽ tương tác với các con muỗi trong tự nhiên như thế nào, và số lượng muỗi cần thiết là bao nhiêu để đánh bại căn bệnh sốt rét.
Crisanti thừa nhận sẽ có những hậu quả không mong muốn xảy ra khi giải phóng muỗi đột biến ra môi trường mặc dù ông không thể dự đoán được những hậu quả đó.
Các nhà khoa học cho rằng đây là một thử thách đáng để thực hiện. “Tôi cho rằng đây là một điều tốt nên thực hiện. Nếu chúng ta thành công, những con muỗi đột biến sẽ loại bỏ căn bệnh sốt rét cho chúng ta”.