"Mưu kế ngầm" trong cuộc đua sống ngoài hành tinh: Mỹ-Trung bước vào trận đấu độc nhất vô nhị

  •  
  • 2.878

Trong sân chơi không gian mới, cả Mỹ và Trung Quốc đang tung dần những đòn đánh khiến thế giới phải kinh ngạc.

Bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, công nghệ vượt bậc đang đưa con người tiến gần đến những vì sao. Giới quan sát vũ trụ đặt câu hỏi: "Thế giới đang bước vào cuộc đua không gian mới?" Câu trả lời có thể thấy rõ từ các hoạt động quốc tế rầm rộ - quy mô từ quốc gia đến tư nhân - trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác vệ tinh/tiểu hành tinh/hành tinh trong Hệ Mặt trời. Thậm chí, còn có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy không gian đang trên đà bị quân sự hóa và vũ khí hóa.

Đây là lúc giải quyết vấn đề cấp bách: "Ai sẽ bá chủ không gian?". Bài viết do kênhMagellanTV phân tích sẽ cho chúng ta thấy mưu đồ thực sự của các cường quốc vũ trụ trên thế giới trong hành trình chạm đến Mặt Trăng, sao Hỏa, không gian sâu...

Thực tế cho thấy, rất nhiều quốc gia, chính phủ và công ty tư nhân đang gấp rút thiết lập một chỗ đứng rõ ràng trong không gian vũ trụ, điều này đặt ra một vấn đề hiển nhiên: Ai chịu trách nhiệm ở đó?

Mặc dù đã có một thỏa thuận quốc tế lâu dài nhằm giữ cho không gian phi quân sự hóa nhưng có những quốc gia - bao gồm cả Mỹ - dường như đang đi ngược lại hiệp ước đó.

Với Lực lượng Không gian Mỹ (US Space Force) mới thành lập của quân đội nước này, tách khỏi các dự án hiện có và các ưu tiên quân sự của Không quân Mỹ, Washington đang tiếp tục lấp đầy bầu trời bằng các vệ tinh do thám và các vật thể bay bí ẩn khác.

Một quan chức của US Space Force giấu tên tiết lộ với Space.com rằng các hoạt động gần đây của họ cho phép "Mỹ phát triển hiệu quả hơn nữa các khả năng không gian cần thiết để duy trì ưu thế trong lĩnh vực không gian".

Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng phát biểu tại Phòng Bầu dục hồi tháng 5/2020 rằng: "Không gian sẽ là tương lai, cả về phòng thủ và tấn công và nhiều thứ khác nữa... Nước Mỹ đang dẫn đầu trong không gian từ trước đến nay, lịch sử có thể minh chứng cho điều đó..." - Trích dữ liệu từ Whitehouse.gov.

Hiện Mỹ đang nắm giữ hệ thống tên lửa đẩy có tên Saturn V mạnh nhất trong lịch sử.
Hiện Mỹ đang nắm giữ hệ thống tên lửa đẩy có tên Saturn V mạnh nhất trong lịch sử. Đây là tên lửa mang Apollo 11 đổ bộ Mặt Trăng thành công năm 1969. (Ảnh: NASA)

Nếu Mỹ thực sự đặt mục tiêu đưa vũ khí lên quỹ đạo Trái đất, vi phạm Hiệp ước Không gian bên ngoài năm 1967, thì tốt hơn hết chúng ta nên bắt đầu lo lắng.

Chưa hết, cả Trung Quốc và Nga đều bị bắt quả tang thử nghiệm các loại đạn được thiết kế để hạ gục các tàu vũ trụ bay khác. Đằng sau hành động gây hấn này liệu có chứa âm mưa tranh giành vị thế với Mỹ hay củng cố vị thế cường quốc vũ trụ của mình của hai nước lớn này hay không?

Với rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, sự hòa hợp và hợp tác giữa các quốc gia sẽ là điều tối quan trọng để thiết lập và duy trì trật tự trong không gian bên ngoài Trái đất.

Dù tương lai có thể ra sao, thì ngày càng rõ ràng rằng không gian chứa đầy những mối nguy hiểm cố hữu, cũng như với những rủi ro tiềm ẩn khác (công nghiệp hóa, vũ khí hóa) và những lợi ích (hợp tác, giao tiếp) mà con người chúng ta dường như mang theo mình ở bất cứ nơi đâu.

Cứ 26 tháng một lần, quỹ đạo của Trái đất và sao Hỏa đưa hai hành tinh này vào vị trí gần nhau nhất của chúng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, quý hiếm diễn ra đúng vào tháng 7/2020 này, bầu trời gần như bốc cháy với một loạt vụ phóng tên lửa đẩy của các quốc gia mục đích đưa tàu vũ trụ đến Hành tinh Đỏ (hành tinh thứ 4 kể từ Mặt Trời, hành tinh láng giềng gần nhất của chúng ta).

(Khoảng cách Trái đất và sao Hỏa gần nhất là 54,6 triệu km; xa nhất là 401 triệu km - NASA)

Mỹ đang tìm cách duy trì vai trò đứng đầu của mình trong việc khám phá Hành tinh Đỏ. Vào ngày 30/7/2020, NASA phóng xe tự hành thăm dò bề mặt Hành tinh Đỏ có tên Perseverance, bước đầu tiên của Mỹ trong chương trình 10 năm khám phá sao Hỏa từ xa và đánh giá tính khả thi của các sứ mệnh đưa phi hành đoàn đặt chân lên sao Hỏa trong tương lai.

Ngoài Mỹ, các quốc gia khác cũng khởi động các dự án không gian trên sao Hỏa vào tháng 7/2020 bao gồm Trung Quốc [thực hiện sứ mệnh Tianwen-1 lên sao Hỏa vào ngày 20/7]; và một nước mới gia nhập "sân chơi" không gian là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) [phóng tàu quỹ đạo sao Hỏa Amal (trong tiếng Anh là Hope) vào ngày 23/7].

Để giảm chi phí nhiên liệu cho các sứ mệnh phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa nhân dịp này, cả Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Liên Bang Nga (Roscosmos) cũng bắt tay nhau thực hiện kế hoạch chung EXOMars. Tuy nhiên, đến phút cuối do sự cố kỹ thuật, kế hoạch buộc phải rời vào dịp quỹ đạo của Trái đất và sao Hỏa đưa 2 hành tinh này gần nhau nhất vào cuối mùa Hè năm 2022.

Viễn cảnh thuộc địa hóa sao Hỏa của người Trái đất.
Viễn cảnh thuộc địa hóa sao Hỏa của người Trái đất. (Ảnh: Internet)

Được cho là chứa đại dương nước ngầm nơi sự sống có thể đã từng tồn tại hoặc có khả năng phát triển về sau, hành tinh đất đá sao Hỏa đang là 'miền đất hứa' đầy hy vọng cho nhiều quốc gia và công ty vũ trụ tư nhân khắp thế giới. Do đó, mỗi một sứ mệnh lên Hành tinh Đỏ đều có những mục đích ngấm ngầm riêng.

Còn đây là bề nổi:

UAE gửi tàu quỹ đạo Amal đến khám phá khí hậu sao Hỏa. Trung Quốc dường như quyết tâm phô trương khả năng công nghệ của mình, phóng đi một tên lửa duy nhất vừa là tàu quỹ đạo sao Hỏa vừa là tàu thăm dò địa hình; một trong những mục tiêu chính của sứ mệnh Tianwen-1 là kiểm tra địa chất của hành tinh để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống. Riêng Mỹ đang đổ hàng chục tỷ đô là đầu tư vào việc tìm hiểu xem liệu sao Hỏa có khả năng hỗ trợ sự sống thực vật và cho con người hay không.

Chuỗi các sứ mệnh đến năm 2030 của các cường quốc vũ trụ quốc tế được thiết kế để thử nghiệm tính bền vững: Đó là viễn cảnh thuộc địa hóa sao Hỏa.

Tất nhiên, cho đến nay, tất cả các sứ mệnh trên sao Hỏa đều dựa vào công nghệ robot được điều khiển từ xa trong các thí nghiệm. Thách thức bây giờ là chuyển đổi từ các nhiệm vụ tự động tiên phong sang việc khám phá trực tiếp của con người. Nhưng những người Trái đất chúng ta vẫn chưa giải quyết được những thách thức do con người nhận thấy trong quá trình khám phá không gian sâu.

Tất cả các hoạt động ráo riết ngoài vũ trụ này có nghĩa là chúng ta đang tham gia vào một Cuộc đua Không gian mới?

Thoạt nhìn, có vẻ như vậy.

Có quá nhiều hoạt động mới phía trên Trái đất mà người ta lo ngại rằng môi trường trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất (LEO, độ cao 2000 km) đang trở thành một khu vực không an toàn, một bãi rác vũ trụ khổng lồ với rất nhiều vệ tinh nhân tạo - hơn một triệu trong số đó hiện đang quay xung quanh hành tinh chúng ta - do đó va chạm là điều không thể tránh khỏi.

Kể từ lần phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào không gian - vụ phóng Sputnik 1 của Liên Xô năm 1957 - đến nay, theo đúng nghĩa đen thì có hàng triệu tấn các bộ phận tên lửa đã qua sử dụng (rác) đang trôi nổi vô định tại LEO.


Quỹ đạo tầm thấp của Trái đất (LEO, độ cao 2000km) là nơi tập trung rất nhiều vệ tinh nhân tạo. (Ảnh: Internet).

Một vấn đề hiếm khi được giải quyết nghiêm túc là ai là người trách nhiệm dọn dẹp đống lộn xộn này để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay vũ trụ trong tương lai? Hay chăng cuối cùng mỗi quốc gia tự nhận trách nhiệm thu lượn sạch rác không gian của chính mình? Hay Liên Hợp Quốc sẽ phải vào cuộc để giải quyết vấn đề cho hiện tại và tương lai?

Trở lại câu hỏi "Đây có phải là một Cuộc đua Không gian "thực sự" hay không?",câu trả lời còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.

Đối với một số người, Cuộc đua Không gian giai đoạn 1957-1969 là một cuộc cạnh tranh lịch sử độc nhất vô nhị giữa Mỹ và Liên Xô trong sứ mệnh quốc gia trở thành nước đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng.

Nhưng những người khác lại cho rằng một cuộc chạy đua vũ trụ đa quốc gia mới nhằm thỏa mãn nhiều hơn nữa khả năng phô trương công nghệ, giàu có đơn thuần mới bắt đầu trong thế kỷ 21.

Và trong cuộc đua đó, Mỹ và Trung Quốc (2 nền kinh tế lớn nhất thế giới) đang bước vào cuộc đua độc nhất vô nhị thế kỷ 21: Cả hai từng bước thăm dò đối phương, cùng lúc tung ra các chiêu lớn nhằm đạt chung 1 mục đích vô cùng lớn: Thuộc địa hóa sao Hỏa, khai thác Mặt Trăng.

Đối thủ Mỹ nắm trong tay trang sử dài về sự thống trị không gian gần như vô song (ít nhất là từ năm 1969 đến nay). Còn Trung Quốc như thức giấc trong thế kỷ mới với công nghệ vượt trội so với của Mỹ. Vẫn còn phải xem Trung Quốc sẽ đi như thế nào khi kế hoạch của họ thực sự được đưa vào thử nghiệm vào cuối năm 2020 trong một sứ mệnh phức tạp lên Mặt Trăng.

Nhưng hành trình từ đầu thế kỷ 21 cho đến nay của Trung Quốc đang cho thấy nước này 'lột xác' ngoạn mục như thế nào trong các sứ mệnh bay lên vũ trụ. Không chỉ đơn thuần là khám phá khoa học, khai thác 'mỏ trời' hiếm có tại Mặt Trăng (nơi được cho chứa Helium-3, vàng, bạch kim, đất hiếm...) mà là con đường song hành cùng với việc khẳng định vị thế siêu cường vũ trụ của Trung Quốc trên sân chơi quốc tế.

(1) Có 3 quốc gia và ít nhất một vài công ty thương mại có kế hoạch lên Mặt Trăng vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Mỹ, Trung Quốc và - hơi ngạc nhiên - tất cả đều đang chuẩn bị các sứ mệnh lên Mặt Trăng.

Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Chang'e 5, trong đó có tàu đổ bộ xuống bề mặt Mặt Trăng để thu thập các mẫu đất và đá. Cũng sẽ có một con tàu vũ trụ khác sẽ được phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng và liên kết với robot Chang'e 5 trong hành trình quay trở lại Trái đất.

Về phần mình, Ấn Độ chuẩn bị phóng Chandrayaan-3 lên Mặt Trăng vào tháng 11/2020. Thành công là điều tối quan trọng đối với Chương trình không gian Ấn Độ. Sứ mệnh Chandrayaan đầu tiên đã bỏ lỡ hoàn toàn Mặt Trăng vào năm 2008 và Chandrayaan-2 của Ấn Độ đã rơi xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên vào năm 2019.

Cuối cùng, Mỹ và sứ mệnh Artemis không người lái quay quanh Mặt Trăng dự kiến được ​​thực hiện vào đầu năm 2021. Đây là bước đầu tiên trong mục tiêu đầy tham vọng của NASA đưa người (1 nam, 1 nữ) tái đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2024, đặt bước đệm cho mục tiêu khám phá Mặt Trăng "bền vững" bắt đầu vào năm 2028, từ đó cất cánh lên sao Hỏa.


NASA đáp ứng lời kêu gọi của ông Trump về kế hoạch tái đổ bộ Mặt Trăng năm 2024. (Ảnh: NASA).

(2) Cuộc đua lên Mặt Trăng không chỉ gói gọn ở tầm quốc gia, các công ty tư nhân, cá nhân tỷ phú thế giới cũng nhắm đến vệ tinh tự nhiên này một cách đầy hào hứng.

Những tên tuổi lớn như Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson đều đang thực hiện các sứ mệnh không gian nhằm mục đích tạo dựng niềm tin răng họ là những nhà thám hiểm không gian - những Columbus ngoài vũ trụ - và cuối cùng là thu được hàng đống tiền lớn theo nghĩa đen.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã thành công trong việc phóng một sứ mệnh có người lái lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào cuối tháng 5/2020(đọc tại đây) và đưa các phi hành gia của họ trở về Trái đất an toàn 2 tháng sau đó, vào đầu tháng 8/2020(đọc chi tiết).

Giờ đây, "ưu tiên hàng đầu" mới được SpaceX công bố là Starship, nhằm mục đích cung cấp khả năng tiếp cận liên tục lên Mặt Trăng và xa hơn nữa, cuối cùng mở ra quá trình thực dân hóa sao Hỏa và trở thành điểm dừng thương mại cho những nhà thám hiểm gan dạ nhất trong số chúng ta.

SpaceX bắt tay vào một dự án đầy tham vọng khác vào năm 2020 - Starlink. Nỗ lực tìm cách bao quanh Trái đất bằng gần 1.600 vệ tinh liên lạc, tạo ra một mạng thiên thể để cung cấp truy cập Internet nhanh chóng và không tốn kém trên toàn cầu.

Virgin Galactic - Công ty du hành vũ trụ Anh của 'ông trùm kinh doanh' Richard Branson đã bày tỏ mong muốn đưa hành khách trả tiền vào không gian và Virgin Orbit của ông đề xuất chở hành khách trong các hành trình xuyên lục địa bằng cách bay các phương tiện vận tải siêu thanh vào không gian tầm thấp.

SpaceX, Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos và Boeing đều có các chương trình tích cực để biến khách hàng trả tiền thành phi hành gia. Thử nghiệm của Boeing với du hành vũ trụ thương mại, Starliner của nó, đang cho thấy một tương lai hứa hẹn, mặc dù tiến trình của nó cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Riêng tàu đổ bộ Blue Moon của công ty Blue Origin dự kiến ​​sẽ bay lên Mặt Trăng sớm nhất là vào năm 2024. Jeff Bezos đặt mục tiêu "công nghiệp hóa" không gian bằng cách thiết lập các dự án sản xuất và xây dựng trong môi trường không trọng lực, cũng như khai thác nước và khoáng chất tại Mặt Trăng.

2 thập niên đầu thế kỷ 21 đang dần qua đi, Mỹ-Trung-Nga-Châu Âu và nhiều quốc gia khác chưa bao giờ ngừng chuyển động. Sống trong một Trái đất ngày càng nóng lên do biến đổi khí hậu nhân tạo gây ra; khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt; khi đất thì chật mà người thì ngày càng đông... tất cả khiến những bộ óc chiến lược buộc phải tư duy vươn tầm vũ trụ.

Sẽ có một ngày, loài người di cư lên một vùng đất mới, như cái cách nhà hàng hải người Ý Christopher Columbus (1451-1506) đã làm (đặt chân lên châu Mỹ) cách đây 500 năm có lẻ...

Cập nhật: 21/08/2020 Theo Phapluatbandoc
  • 2.878