Mỹ lập nhóm công tác về an toàn nhập khẩu

  •  
  • 56

Tổng thống George W. Bush vừa thành lập một “nhóm công tác về an toàn nhập khẩu” trực thuộc chính phủ liên bang.

Chức năng của nhóm này là nghiên cứu và đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm an toàn đối với tất cả mặt hàng lương thực thực phẩm và các sản phẩm khác nhập khẩu vào Mỹ nhằm cải thiện khả năng giám sát của Mỹ đối với các mặt hàng nhập khẩu. Nhóm này do đích thân Bộ trưởng Sức khỏe và dịch vụ con người Michael Leavitt đứng đầu, sẽ trình lên Tổng thống Bush những đề xuất trong 60 ngày tới.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phủ nhận mục đích của việc thành lập nhóm trên là để nhắm vào Trung Quốc, đang bị tai tiếng với các mặt hàng chứa chất độc hại xuất khẩu vào Mỹ và nhiều nước trên thế giới trong thời gian gần đây như cá, hải sản, kem đánh răng, đồ chơi trẻ em... “Đây chỉ là một hành động bình thường trong kinh doanh. Chúng tôi nhập khẩu thực phẩm từ 150 nước. Việc giám sát tất cả sản phẩm này là rất quan trọng” - người phát ngôn Nhà Trắng Tony Snow nói.

Đại diện các cơ quan quản lý kiểm tra thực phẩm tại một chợ ở Trung Quốc (Ảnh: CNS)

Việc công bố quyết định của Mỹ diễn ra cùng ngày (18-7) với việc Đài truyền hình Bắc Kinh (BTV) chính thức xin lỗi khán giả về tin “bánh bao nhân bìa cactông” do BTV phát ngày 8-7 mà đài này nay cho là “tin thất thiệt”. BTV nói tin trên là do một biên tập viên hợp đồng thời vụ của đài dàn dựng, người này đã bị “công an bắt giữ và sẽ bị xử theo pháp luật”.

Người ta không rõ lắm thực hư của sự kiện này. Tin không cung cấp tên biên tập viên này, chỉ nêu họ là Tư; cũng không giải thích động cơ lừa đảo của Tư. Tuy nhiên, theo tờ Kinh Hoa, Tư có bút danh là Hồ Nguyệt, từng làm ở CCTV và chuyển về BTV từ năm 2006. Còn theo CNN, động cơ của Tư là muốn được sếp đánh giá cao hơn.

BTV chỉ giải trình: “Tư đã tới một tiệm làm bánh ở Triều Dương, lấy cớ chuẩn bị mở hàng bánh bao phục vụ công nhân để nhờ hai cặp vợ chồng bán bánh bao gần đó đến giúp làm bánh. Tư tự đem theo thịt, bột mì, bìa cactông, hướng dẫn họ lấy bìa cactông thấm nước trộn vào thịt làm thành bánh bao để anh ghi hình toàn bộ quá trình làm bánh”. Cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ bốn người này và cho biết họ thường ngày chỉ bán sữa đậu nành chứ không làm bánh bao và cũng kinh doanh không xin phép.

Kể từ khi các trường hợp về sản phẩm kém an toàn của Trung Quốc lần lượt bị phát hiện trên toàn thế giới, chính quyền nước này đã tìm mọi cách để cứu nguy cho uy tín nhãn hiệu “made in China”. Nhiều biện pháp được đưa ra: đóng cửa 180 nhà máy chế biến thực phẩm kém chất lượng, cấm một số loại thuốc chưa được thẩm định và tịch thu protein máu giả trong các bệnh viện, cấm dùng chất diethylene glycol trong kem đánh răng, đồng thời cảnh báo sẽ đóng cửa hàng nghìn nhà máy chế biến thực phẩm qui mô nhỏ nếu không đáp ứng chỉ tiêu vệ sinh. Đích thân Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngày 18-7 đã cam kết sẽ đẩy mạnh việc cải thiện an toàn thực phẩm.

Trung Quốc cũng phản pháo trên mặt trận truyền thông. Đầu tuần này, giám đốc Cơ quan Kiểm soát chất lượng Trung Quốc lên tiếng chỉ trích truyền thông quốc tế, đặc biệt là một số báo ở Mỹ, vì đã đưa ra “những cảnh báo không cần thiết làm mất lòng tin người tiêu dùng” đối với sản phẩm “made in China”.

Hôm qua, tờ Nhân Dân Nhật Báo cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp với Mỹ tại Bắc Kinh vào cuối tháng bảy nhằm tìm giải pháp trước việc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đe dọa sẽ ngưng nhập khẩu năm mặt hàng cá của Trung Quốc, đồng thời thiết lập một cơ chế hợp tác về an toàn thực phẩm giữa hai nước.

Đánh giá về những cố gắng này, ông Harvey Hoffenberg - giám đốc Công ty tiếp thị Propulsion, có trụ sở tại Mỹ - cho rằng phản ứng nhanh không đủ để giải quyết vấn đề. “Người tiêu dùng chỉ có thể dễ dàng bỏ qua khi họ cảm thấy thật sự yên tâm”.

THANH TRÚC - CẢNH CHÁNH

Theo CNN, Reuters, China Daily, BK Mới, BK Buổi Sáng, TTO

  • 56