Mỹ tìm cách ngăn siêu lợn xâm nhập từ Canada

  •  
  • 190

Quần thể siêu lợn rất khó tiêu diệt ở Canada đe dọa tràn qua biên giới phía nam và các bang như Minnesota, North Dakota và Montana đang tìm cách ngăn chặn chúng xâm nhập.

Tại Canada, lợn hoang dã lang thang ở Alberta, Saskatchewan và Manitoba đặt ra mối đe dọa mới. Chúng thường là lợn lai chéo, kết hợp kỹ năng sinh tồn của lợn rừng Á Âu với kích thước và độ mắn đẻ của lợn nhà, tạo ra "siêu lợn" lan rộng mất kiểm soát, Yahoo hôm 22/11 đưa tin. Ryan Brook, giáo sư ở Đại học Saskatchewan, gọi lợn hoang là "động vật xâm hại mạnh nhất hành tinh" và "kẻ hủy diệt hệ sinh thái".

Lợn hoang lang thang ở Canada.
Lợn hoang lang thang ở Canada. (Ảnh: Global News).

Lợn không phải động vật bản xứ ở Bắc Mỹ. Trong khi chúng tồn tại ở nhiều nơi thuộc châu Mỹ hàng thập kỷ, vấn đề ở Canada mới chỉ xuất hiện từ thập niên 1980 do nước này khuyến khích nông dân nuôi lợn hoang. Thị trường sụp đổ sau khi đạt đỉnh vào năm 2001, một số nông dân chán nản phá dỡ hàng rào, để lợn chạy tự do.

Trên thực tế, siêu lợn rất giỏi chịu đựng mùa đông ở Canada. Thông minh, dễ thích nghi và nhiều lông, chúng ăn bất cứ thứ gì, bao gồm hoa màu và động vật hoang dã. Chúng cày xới đất khi tìm côn trùng và rễ cây. Siêu lợn có thể lây lan dịch bệnh nguy hiểm như bệnh tả lợn châu Phi. Chúng sinh sản rất nhanh, một con lợn lái có thể đẻ hai lứa một năm và mỗi lứa 6 con non.

Điều đó có nghĩa dù giết hơn 65% quần thể lợn hoang mỗi năm, chúng sẽ vẫn tăng số lượng, theo Brook. Việc săn bắt chỉ khiến vấn đề tồi tệ hơn. Tỷ lệ thành công đối với thợ săn khỉ khoảng 2 - 3%. Một số bang thậm chí cấm săn bắt bởi điều này làm lợn hoang cảnh giác hơn và hoạt động nhiều về đêm, do đó khó theo dõi và tiêu diệt hơn. Lợn hoang gây thiệt hại 2,5 tỷ USD về mùa màng ở Mỹ mỗi năm, chủ yếu tại các bang phía nam như Texas. Chúng có thể trở nên hung dữ với con người. Một người phụ nữ ở bang Texas bị lợn hoang giết chết vào năm 2019.

Việc xóa sổ lợn hoang không còn khả thi ở Manitoba và Saskatchewan. Nhưng tình hình chưa đến mức vô vọng ở mọi nơi và vài bang ở Mỹ đã tiêu diệt chúng. Mấu chốt là có một hệ thống nhằm tìm ra lợn hoang sớm và nhanh chóng, sau đó phản ứng kịp thời. Brook và cộng sự ghi nhận 62.000 lượt bắt gặp lợn hoang ở Canada. Khảo sát trên không của họ phát hiện lợn hoang ở cả hai phía của biên giới Canada - Bắc Dakota. Họ cũng ghi nhận lợn hoang ở Manitoba, cách Minnesita trong vòng 28 km.

Theo Brook, Montana là bang nghiêm túc nhất trong việc ngăn chặn lợn hoang. Chính quyền bang cấm nuôi và vận chuyển lợn hoang trong bang. Họ đặt bẫy lớn trên mặt đất và bắn súng phun lưới từ trực thăng. Một số bang sử dụng chương trình theo dõi "Squeal on Pigs". Các nhà khoa học cũng nghiên cứu dùng chất độc như natri nitrit, nhưng cách đó có thể gây hại cho loài khác.

Minnesota nằm trong số cách bang ngăn chặn lợn xâm chiếm. Cơ quan tài nguyên thiên nhiên của bang sẽ công bố báo cáo vào tháng 2 năm sau, xác định lỗ hổng trong kế hoạch quản lý và đề xuất biện pháp phòng ngừa mới. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sử dụng máy bay và drone để giám sát dọc theo biên giới phía bắc. Minnesota tuyên bố xóa sổ lợn hoang thành công sau khi Cơ quan Động vật hoang dã bắn chết một đàn lợn năm 2016 trốn khỏi trang trại, sinh sản và phát triển ở một khu bảo tồn. Gary Nohrenberg, giám đốc Cơ quan Động vật hoang dã Minnesota, cho biết chưa có con lợn hoang đích thực nào mò vào bang.

Dịch tả lợn được ghi nhận ở ít nhất 35 bang của Mỹ, theo USDA. Họ ước tính quần thể lợn hoang ở những bang đó có tổng số lượng khoảng 6 triệu con. Từ khi giới thiệu Chương trình quản lý lợn hoang quốc gia năm 2014, USDA cung cấp kinh phí cho 33 bang, theo Mike Marlow, trợ lý giám đốc chương trình.

Marlow cho biết mục tiêu của họ là xóa sổ lợn hoang khi quần thể còn ít hoặc mới xuất hiện, đồng thời hạn chế thiệt hại mà chúng gây ra ở Texas và các bang đông nam. Chương trình gặt hái thành công ở một số bang có quần thể lợn nhỏ như Vermont, New York, Pennsylvania, New Hampshire, Wisconsin và Washington. "Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt những bước tiến lớn hướng tới thành công. Nhưng xóa sổ lợn rừng sẽ không đạt kết quả trong tương lai gần", Marlow nói.

Cập nhật: 24/11/2023 VnExpress
  • 190