Nấc và cách chữa

  •  
  • 617

Nấc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ thai nhi đến người lớn, một khó chịu thông thường và khá phổ biến. Phản xạ nấc phát sinh từ hệ thần kinh trung ương, khi thần kinh phế vị bị kích thích thì gây ra sự co thắt không chủ ý của cơ hoành.

Thanh thiệt hay còn gọi là lưỡi gà cũng co lại và che kín thanh quản và hầu làm cho không khí không đi vào khí quản được nữa, 2 dây thanh đới rung lên cho nên ta nghe thấy tiếng nấc. Thông thường, sự kích thích dây thần kinh phế vị có liên quan đến bữa cơm thịnh soạn, ăn quá nhanh hay uống ừng ực một lượng lớn nước, nhất là nước nóng nên làm căng dạ dày.

Vai trò của các yếu tố tâm lý cũng không thể coi nhẹ (tức giận, cảm động), đôi khi là những yếu tố có tính chất quyết định. Những cơn nấc có thể kéo dài nhiều phút hay nhiều giờ, tuy ít gặp.

Một số mẹo để làm cho cơn nấc chấm dứt nhưng chỉ có hiệu quả với những trường hợp nấc nhẹ:

- Nhịn thở: Hít sâu để lồng ngực phồng lên với khí hít vào, không hít bằng mũi mà bằng mồm. Làm động tác này nhiều lần. Sự tăng áp lực trong lồng ngực giúp cắt cơn nấc. Uống một hơi một cốc nước mát.

- Chỉ áp dụng các mẹo nói trên cho trẻ đã biết nghe lời và biết làm đúng cách. Nếu trẻ tỏ ra lúng túng thì người lớn cần ở bên trẻ và đánh lảng để trẻ quên cho đến khi cơn nấc qua đi.

- Khi cơn nấc đã qua, tránh uống nước nóng hay nước có ga.

- Trẻ bú mẹ bị nấc thường do nuốt quá nhanh hay nuốt cả không khí, nên tìm cho trẻ loại núm vú có thể điều chính tốc độ chảy của sữa.

- Nếu nấc kéo dài hay tái phát thì cần hỏi ý kiến thầy thuốc bởi vì có thể liên quan đến một nguyên nhân thực thể nào đó: thường gặp là thoát vị ở lỗ cơ hoành, bất thường về vận động của thực quản hay một bệnh nhiễm khuẩn, do đó phải điều trị theo nguyên nhân.

Theo Sức khoẻ & Đời sống, TTO
  • 617