Ngôi sao chổi mang tên C/2013A1 mới được phát hiện có khả năng sẽ “tấn công” sao Hỏa vào tháng 10/2014.
Nhà thiên văn học nghiệp dư người Úc Ian Musgrave cho biết: “Dù sao chổi không va chạm với sao Hỏa, chúng ta cũng có thể quan sát được nó khá rõ từ Mặt đất”.
Sao chổi C/2013A1 được phát hiện vào đầu năm 2013 bởi nhà “săn tìm sao chổi” Robert McNaught thuộc Trung tâm quan trắc Siding Spring ở New South Wales, Australia.
Theo những cuộc bàn luận trên Diễn đàn các nhà thiên văn nghiệp dư IceInSpace, nơi phát hiện này lần đầu tiên được công bố, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu bầu trời Catalina, Arizona, Mỹ đã cho đăng tải những bức hình “trước khi hình thành” của sao chổi, được chụp ngày 8/12/2012. Theo những quan sát này thì C/2013A1 sẽ bay thẳng tới sao Hỏa ngày 19/10/2014.
Một vụ va chạm giữa sao chổi với sao Hỏa.
Tuy nhiên, sau 74 ngày quan sát, chuyên gia về sao chổi Leonid Elenin cho biết, theo tính toán hiện này, sao chổi sẽ tiến đến gần sao Hỏa ở khoảng cách 109,200km vào tháng 10/2014.
Ian O’Neill thuộc Trung tâm phát hiện vũ trụ cho rằng chúng ta mới quan sát sao chổi được 74 ngày và vì thế khó mà có thể dự đoán chính xác được quỹ đạo bay của sao chổi sau 20 tháng nữa. Theo ông này, khả năng sao chổi “va” phải sao Hỏa với tốc độ khoảng 56.327m/s vẫn có thể xảy ra.
Elenin cho biết, C/2013 A1 là sao chổi hình hyperbolic, có quỹ đạo bay thụt lùi, với tốc độ khoảng 56km/s.
Các nhà thiên văn học đang dõi mắt theo ngôi sao chổi này và họ sẽ nhanh chóng khẳng định được tính toán của mình khi những dữ liệu ngày càng đầy đặn hơn.