Nam nữ phản ứng với sự hài hước khác nhau

  •  
  • 1.162

Các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng rõ nét về sự khác biệt giới tính trong cách nhìn nhận sự hài hước.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford đã theo dõi hoạt động não của đàn ông và đàn bà khi họ được xem các truyện tranh hài. Họ tìm thấy vùng não liên quan tới việc xử lý ngôn ngữ, ký ức và tạo ra cảm giác tặng thưởng hoạt động nhiều hơn ở phụ nữ.

Nghiên cứu này có thể giúp tìm hiểu chứng trầm cảm ở giới nữ. Nó cũng giúp hiểu hơn về các trình trạng sức khoẻ như sự tê liệt nhất thời - việc đột ngột mất kiểm soát cử động liên quan tới cảm xúc.

Nhà nghiên cứu đứng đầu nhóm, Allan Reiss, nhận định: "Kết quả giúp lý giải những nghiên cứu trước cho thấy đàn ông và phụ nữ khác nhau trong việc khai thác và thưởng thức chuyện hài".

Vỏ não trước, chịu trách nhiệm xử lý ngôn ngữ và ký ức, vẫn được biết đến là đóng vai trò trong việc kích thích cảm giác buồn cười. Và nhóm nghiên cứu tại Stanford đã chứng tỏ trung tâm tặng thưởng trung gian - tạo ra những cảm giác tích cực gắn liền với các sự kiện như kiếm được tiền - cũng được kích hoạt bởi sự hài hước.

Nghiên cứu đã sử dụng máy scan phức tạp để đo hoạt động não của 10 đàn ông và 10 đàn bà khi họ xem 70 bức tranh hài đen trắng.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy sự tương đồng trong cách não nam và nữ phản ứng với sự hài hước. Nhưng một số vùng não được kích hoạt nhiều hơn ở nữ, bao gồm vỏ não trước trái và trung tâm tặng thưởng trung gian.

Nhóm cho rằng điều đó chứng tỏ phụ nữ tập trung hơn vào ngôn ngữ của sự hài hước, do sử dụng óc phân tích nhiều hơn khi giải mã truyện cười. Họ cũng tin rằng phụ nữ ít mong đợi câu chuyện buồn cười, nên khi thấy hài hước, vùng khoái cảm của họ sáng mạnh hơn so với nam giới.

Giáo sư Reiss nói: "Phụ nữ ít mong đợi được tặng thưởng hơn, trong trường hợp này là sự hài hước, vì vậy khi họ thấy câu chuyện buồn cười, họ sẽ hài lòng hơn".

Ông cũng cho rằng việc trung tâm tặng thưởng ở phụ nữ nhạy cảm hơn với sự kích thích có thể lý giải vì sao họ dễ bị trầm cảm hơn.

M.T. (theo BBC)

Theo VnExpress
  • 1.162