Trạm vũ trụ Gateway, dự kiến bắt đầu xây dựng vào năm 2025, gồm nhiều module cho các phi hành gia sinh sống và làm việc.
Mô phỏng 3D chi tiết về trạm vũ trụ Gateway. (Video: NASA/Bradley Reynolds/Alberto Bertolin)
Cuối thập kỷ này, nhân loại sẽ có một trạm vũ trụ khác trên quỹ đạo: Gateway. Tuy nhiên, Gateway sẽ không bay trên quỹ đạo Trái đất thấp như Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hay trạm Thiên Cung. Thay vào đó, nó sẽ hoạt động trên quỹ đạo quanh Mặt trăng, trở thành trạm vũ trụ đầu tiên của con người trong không gian sâu.
NASA mới đây đã công bố video mới cho thấy thiết kế ấn tượng của Gateway, IFL Science hôm 6/7 đưa tin. Gateway là dự án hợp tác quốc tế giữa NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Trung tâm Vũ trụ Mohammed Bin Rashid của UAE (MBRSC). Quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2025 với việc phóng hai thành phần của trạm: Bộ phận Hậu cần và Cư trú, Bộ phận Điện và Sức đẩy.
Bộ phận Điện và Sức đẩy sẽ biến Gateway thành phương tiện vũ trụ điện Mặt Trời mạnh nhất từng cất cánh. Nguồn điện này là cần thiết để giữ trạm trong Quỹ đạo hào quang gần thẳng (NRHO) - quỹ đạo gần như vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của Mặt trăng. Với quỹ đạo như vậy, Gateway có thể bay cách cực nam Mặt trăng chỉ 3.000 km và cách xa cực bắc Mặt trăng tới 70.000 km. Các phi hành gia sẽ luôn giữ được liên lạc với Trái đất khi làm việc trên trạm.
Thêm vào đó, các tàu vũ trụ sẽ không tốn quá nhiều năng lượng để tiến vào quỹ đạo NRHO từ Trái đất hay từ Mặt trăng. Video mà NASA mới công bố cũng khắc họa các tàu vũ trụ này, gồm Orion và Hệ thống hạ cánh của con người (HLS).
NASA công bố video mới cho thấy thiết kế ấn tượng của Trạm vũ trụ Gateway.
Trong video, tàu Orion đang ghép nối với Khoang kín khí Khoa học và Phi hành đoàn của Gateway. Orion sẽ kết hợp với tên lửa hạng siêu nặng của NASA để đưa phi hành gia từ Trái đất bay lên không gian. Trong khi đó, HLS sẽ đưa các phi hành gia đến và đi từ vùng cực nam Mặt trăng. NASA đã ký hợp đồng với SpaceX và Blue Origin để sản xuất và cung cấp tàu Starship HLS và Blue Moon HLS.
Những lần trì hoãn trong quá trình thử nghiệm Starship có thể làm chậm kế hoạch đưa Artemis 3 trở thành phi hành đoàn đầu tiên hạ cánh trên Mặt trăng sau nhiều thập kỷ, dự kiến vào tháng 9/2026. Phân tích mới từ Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm Chính phủ Mỹ cho thấy, nhiệm vụ này có thể bị lùi đến năm 2028. Điều này sẽ làm thay đổi một số cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Gateway.
Sau Artemis 3, nhiệm vụ Artemis 4 dự kiến vận chuyển module Lunar I-Hab, một cấu trúc của ESA và JAXA, tới Gateway vào năm 2028. Sau đó, những module khác sẽ lần lượt được vận chuyển lên trong các nhiệm vụ Artemis tiếp theo.
Giai đoạn xây dựng đầu tiên của trạm Gateway dự kiến kết thúc vào năm 2031. Gateway sẽ không có người ở liên tục như ISS, nhưng các phi hành gia sẽ ở đó để lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ tới bề mặt Mặt trăng cũng như tiến hành thí nghiệm khoa học.