Các nhà thiên văn học lần đầu tiên ghi nhận một hiện tượng độc đáo trong vũ trụ, khi một ngôi sao lớn trải qua quá trình tiếp cận gần một lỗ đen siêu lớn bị mất đi lớp vỏ bọc bên ngoài của mình. Các chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai ngôi sao sẽ biến thành một dạng hành tinh mới do dần mất đi khối lượng.
Ngôi sao lớn tiếp cận gần một lỗ đen siêu lớn bị mất đi lớp vỏ bọc bên ngoài của mình.
Thông cáo báo chí về nghiên cứu được đăng trên website của NASA. Các nhà khoa học đã thu thập được dữ liệu từ đài quan sát tia X Chandra và kính viễn vọng không gian XMM-Newton.
Ở khoảng cách 250 triệu năm ánh sáng từ Trái đất, trong thiên hà GSN 069 có một ngôi sao đỏ khổng lồ đã đến quá gần một lỗ đen siêu lớn có khối lượng tương đương 400 nghìn Mặt trời. Hiệu ứng lực thủy triều của lỗ đen đã bóc đi lớp vỏ bao quanh ngôi sao chứa khí hydro, tạo ra một sao lùn trắng được một đám mây khí bao quanh.
Bản thân sao lùn trắng vẫn ở trong quỹ đạo hình elip bay quanh lỗ đen, cứ 9 tiếng đồng hồ lại xuất hiện một lần. Mỗi lần bay, khi tiếp cận lỗ đen ở khoảng cách gần nhất, tàn dư từ lớp vỏ ngoài của ngôi sao lại rơi vào đĩa bồi tụ và phát ra một chùm tia X.
Theo dự đoán của các nhà thiên văn học, việc ngôi sao mất dần khối lượng và phát ra các luồng sóng hấp dẫn sẽ dẫn đến sự gia tăng bán kính quỹ đạo ngôi sao và thay đổi hình dạng của nó theo hướng tròn hơn. Sau khoảng một nghìn tỷ năm, ngôi sao lùn trắng sẽ có khối lượng bằng cỡ sao Mộc và biến thành một vật thể giống như hành tinh.