Giới chuyên gia hy vọng mẫu vật được bảo quản nhiều lớp nghiêm ngặt trong môi trường chân không suốt 50 năm sẽ lưu giữ được khí Mặt trăng.
Trong khoảng 50 năm qua, các nhà địa chất đã cắt xẻ những mảnh vụn từ mẫu đá Mặt trăng mà các tàu Apollo mang về để phân tích, mang lại nhiều phát hiện quan trọng. Tuy nhiên, có hai ống đựng mẫu vật vẫn được bảo quản kỹ trong môi trường chân không suốt thời gian này. Trong đó, ống mẫu vật do tàu Apollo 17 đem về mới được mở ra để nghiên cứu, IFL Science hôm 10/3 đưa tin.
Các nhà khoa học rất thận trọng trong quá trình mở ống mẫu vật Mặt trăng. (Ảnh: NASA/James Blair).
Khi công nghệ ngày càng tiến bộ, giới khoa học có thể phát hiện thêm nhiều thông tin mới từ mẫu vật mà 6 tàu Apollo mang từ Mặt trăng về Trái đất hàng chục năm trước. Tuy nhiên, khí nằm lẫn trong vật chất Mặt trăng (nếu có) sẽ thoát ra ngoài trong thời gian lưu giữ mẫu vật trên Trái đất, khiến các chuyên gia không có cơ hội kiểm tra chúng bằng thiết bị hiện đại. Họ hy vọng hai mẫu vật đặt trong các ống đóng kín, chưa từng mở ra, sẽ là trường hợp ngoại lệ.
"50 năm qua, mẫu vật Mặt trăng được đặt trong hộp chứa chân không, sau đó lại để vào một hộp chân không khác", giáo sư Alex Meshik tại Đại học Washington cho biết. Các chuyên gia tiếp tục cho hộp mẫu vật vào trong túi Teflon đóng kín rồi bỏ vào hộp nitơ, đặt trong một căn hầm để bảo vệ nó khỏi khí quyển và ánh sáng trên Trái đất.
Meshik nằm trong nhóm chuyên gia được NASA chỉ định mở mẫu vật một cách cẩn thận với hy vọng xác định xem có loại khí nào tồn tại hay không, nếu có thì đây là vật chất nguyên sơ của Mặt trăng hay chỉ bị thấm vào bất chấp quá trình bảo quản kỹ lưỡng.
Lượng khí có thể tồn tại trong mẫu vật này sẽ rất ít. Nếu tách chiết cẩn thận, các nhà khoa học có thể phân tích và xác định các khí này bằng công nghệ khối phổ hiện đại. Công nghệ này đã phát triển đến mức cực kỳ nhạy bén với khả năng tìm ra chính xác khối lượng của các phân tử chưa biết và sử dụng dữ liệu đó để nhận diện chúng.
"Hiểu được lịch sử địa chất và tiến hóa của mẫu vật Mặt trăng lấy từ nơi các tàu Apollo hạ cánh sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho những loại mẫu vật có thể bắt gặp trong nhiệm vụ Artemis tương lai", chuyên gia Thomoa Zurbuchen tại NASA giải thích.
Nghiên cứu mới sẽ cho biết liệu nhiệm vụ Artemis có cần niêm phong mẫu vật nghiêm ngặt hơn vì lợi ích của các thế hệ nhà khoa học tương lai hay không, đồng thời mang đến thông tin hữu ích cho việc bảo quản đá sao Hỏa sau này.
Các tàu Apollo đáp xuống nhiều địa điểm cách xa nhau với hy vọng nắm bắt được sự đa dạng của Mặt trăng. Mẫu vật mới mở được lấy từ trầm tích của một vụ lở đất cổ đại ở Thung lũng Taurus-Littrow, trong dãy núi 3,8 tỷ năm tuổi xung quanh đồng bằng Mare Serenitatis. Mẫu vật được chôn sâu đến mức vào ban ngày trên Mặt trăng (kéo dài bằng khoảng hai tuần Trái đất), nhiệt độ của nó cũng không bao giờ vượt quá 0 độ C, giúp tăng khả năng có các khí mắc kẹt bên trong.