NASA sẽ nghiên cứu núi lửa dưới đáy biển Hawaii để tìm cách săn người ngoài hành tinh

  •  
  • 904

NASA sẽ sớm ghé thăm núi lửa Lo'ihi của Hawaii, vốn nằm ở 0,9km dưới đáy Thái Bình Dương, nhằm tìm ra cách để... săn lùng sự sống ngoài Thái Dương hệ.

Theo đó, cuộc thám hiểm của NASA, được gọi là SUBSEA, sẽ ghé thăm các núi lửa dưới đáy biển vốn là nơi cư ngụ của vô số các loài vi khuẩn - nhằm tìm hiểu xem sự sống sẽ tồn tại ra sao trong những không gian sâu, khắc nghiệt và tối tăm của Thái Dương hệ.

Lo'ihi là một núi lửa đang hoạt động nằm cách bờ biển Big Island khoảng 50 dặm.

NASA - dự định sẽ thực hiện sứ mệnh vào tháng 8 - sẽ sử dụng các loại đá và vi khuẩn thu thập được từ núi lửa để lên kế hoạch thám hiểm bằng robot đầy tham vọng đến các vùng biển sâu nói trên, nếu họ được tài trợ đủ ngân sách.

Cơ quan không gian này đặc biệt hứng thú với mặt trăng Enceladus của Sao Thổ và mặt trăng Europa của Sao Mộc - cả hai đều được cho là có các lỗ hổng phun nhiệt và đại dương bên dưới lớp vỏ băng dày của chúng.

Các lỗ hổng nóng như thiêu đốt nổi tiếng với việc toả ra những chùm khói đen dày
Các lỗ hổng nóng như thiêu đốt nổi tiếng với việc toả ra những chùm khói đen dày.

Các lỗ hổng dưới biển sâu khá phổ biến ở đại dương trên Trái Đất, tồn tại sâu dưới hàng ngàn feet ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tại đó, các lỗ hổng nóng như thiêu đốt nổi tiếng với việc toả ra những chùm khói đen dày, nuôi sống các loài vi khuẩn cực đoan và các sinh vật giống sâu xung quanh. Tại một số địa điểm, các loài tôm, sên, và cua cũng sống dựa vào các lỗ hổng này.

"Nhưng Lo'ihi khác biệt" - Darlene Lim, một nhà địa sinh học của NASA, đứng đầu chương trình SUBSEA nói.

Các nhà khoa học nghi ngờ rằng nếu các lỗ hổng dưới biển sâu tồn tại trên các thế giới khác, chúng sẽ giống như Lo'ihi, tức không nóng đến mức khủng khiếp như các lỗ hổng toả khói đen ở sâu dưới Đại Tây Dương.

Các đám khói đen này nóng đến hơn 371 độ C, trong khi theo các nhà khoa học nghiên cứu hành tinh thì các lỗ hổng trên Enceladus chỉ nóng từ 50 đến 200 độ C mà thôi.

Tàu thám hiểm Nautilus của NOAA.
Tàu thám hiểm Nautilus của NOAA.

Bản thân NASA không có tàu thám hiểm nào, nhưng Uỷ ban Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) thì có. Do đó NASA sẽ hợp tác với cơ quan này để nghiên cứu Lo'ihi trong 21 ngày. Các phương tiện hoạt động từ xa (ROV) sẽ được gửi xuống Lo'ihi để thu thập các mẫu đá và quan sát cộng đồng vi khuẩn xung quanh núi lửa.

"Nơi đó cực kỳ giàu về mặt đa dạng sinh học" - Craig Moyer, một nhà vi sinh học núi lửa tại Đại học Tây Washington, từng nghiên cứu Lo'ihi trong hơn 2 thập kỷ, cho biết.

Đời sống xung quanh Lo'ihi không chỉ đa dạng các loài vi khuẩn hoá dưỡng - tức ăn các hoá chất trong một thế giới tối tăm - mà các cộng đồng này còn thay đổi song song với các hoạt động dao động của Lo'ihi.

Loài sâu ống sống ở độ sâu 2,5km dưới đáy Thái Bình Dương.
Loài sâu ống sống ở độ sâu 2,5km dưới đáy Thái Bình Dương.

Từ khi bùng nổ năm 1996, Lo'ihi đã trở nên khá yên tĩnh, và các lỗ hổng nhiệt cũng đã nguội lạnh, có nghĩa là núi lửa này không còn toả ra nhiều khí gas thông thường như hydrogen và hydrogen sulfied nữa. Chính vì vậy, các vi khuẩn tại đây có thể ăn các hoá chất và sắt quanh đó.

Nhưng khi Lo'ihi hoạt động trở lại, hơi nóng và các hoá chất mới sẽ cho phép các loài vi khuẩn khác sinh sôi nảy nở.

"Tôi chắc rằng chúng ta sẽ thấy hoạt động của sinh vật tại đó tăng lên một lần nữa" - Moyer nói, nhắc lại rằng vụ phun trào Kilauea ở Hawaii khả năng cao là có chung hệ thống ống dẫn sâu với Lo'ihi.

Bề mặt băng của mặt trăng Europa.
Bề mặt băng của mặt trăng Europa.

Không chỉ vì Kilauea đang hoạt động vào thời điểm này - phun trào đủ lượng nham thạch để có thể lấp đầy 45.000 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic vào tháng trước - mà khu vực xung quanh Lo'ihi còn nằm trong lãnh thổ của Mỹ, cho phép NASA dễ dàng tiến hành nghiên cứu hơn.

"Đó là một nơi giao thoa tuyệt vời" - Lim nói.

Khi SUBSEA kết thúc, NASA sẽ có kế hoạch ghé thăm một hệ thống lỗ hổng núi lửa khác vào năm 2019, và Lim hi vọng rằng điều đó sẽ giúp mang lại cho các nhà hoạch định chương trình không gian của NASA trong tương lai những gợi ý về nơi nào là tốt nhất để tìm kiếm sự sống trên các thế giới ngoài hành tinh như mặt trăng Enceladus.

Europa cũng có tiềm năng có sự sống sinh sôi trong các đại dương bên dưới bề mặt băng dày của nó.

"Bất kỳ nơi nào bạn có nước lỏng, khả năng cao bạn sẽ tìm thấy sự sống" - Moyer nói - "Tôi kỳ vọng vào cả hai mặt trăng này".

Cập nhật: 14/06/2018 Theo Trí Thức Trẻ
  • 904