Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích "chế độ ăn tiêu chuẩn Mỹ".
Sơ đồ tháp thức ăn cũ, lỗi thời được giới thiệu cho học sinh đã trở thành thông tin sai. Không ai chỉ nên ăn nhiều bánh mì, cơm gạo suốt cả ngày.
Với các nghiên cứu mới được thực hiện thường xuyên, các kết luận ngày càng cho thấy rõ ăn nhiều đồ ăn giàu năng lượng là không tốt và một chế độ ăn bao gồm tất cả các loại thực phẩm, thịt, chất béo lành mạnh không chỉ thực sự là chế độ ăn tốt mà còn hỗ trợ cho việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ những loại thực phẩm và nguyên liệu nấu nướng mới được nhiều người ca ngợi là có khả năng giúp chúng ta tăng cường sức khỏe. Trong số đó, dầu dừa đã bị một giáo sư Trường đại học Harvard, Mỹ, cho rằng "hoàn toàn là chất độc".
Tiến sĩ Karin Michels của Trường đại học Sức khỏe cộng đồng, Đại học Harvard, phản đối mạnh mẽ việc ngày càng có nhiều người sử dụng dầu dừa để nấu ăn. Trong bài phát biểu vào năm 2018, bà gọi dầu dừa là "chất độc thuần túy" đối với cơ thể con người.
Ngày nay, chúng ta biết rằng dầu dừa không thực sự là một chất độc, nhưng nó có hại hay không thì tiến sỹ Michels khẳng định là có. Cụ thể là các axit béo bão hòa trong dầu dừa cực kỳ có hại cho sức khỏe. Đây không phải lần đầu tiên người ta chú ý đến các chất béo bão hòa, mà từ lâu rồi, các bác sĩ vẫn nói rằng có mối liên quan giữa chất béo bão hòa với bệnh tim.
Cơ thể phản ứng như thế nào khi tiêu thụ các chất béo vẫn là một vấn đề các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu. Nhưng rõ ràng là các chất béo không bão hòa là có lợi cho sức khỏe và những ai áp dụng những cách ăn kiêng cụ thể, như là chế độ ăn keto (giàu chất béo) và ăn nhiều thịt, đều có rất nhiều bằng chứng giai thoại cho rằng ăn nhiều chất béo có thể cải thiện kết quả xét nghiệm máu, hỗ trợ giảm cân và thậm chí đảo ngược được tình trạng tiểu đường túyp 2.
Cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu diện rộng để kết luận về những phát hiện nói trên, có nghĩa là chúng ta vẫn phải dựa vào những thông tin có thể là đã lạc hậu để tự xác định xem các chất béo nào tốt, chất béo nào xấu và chất béo nào thực sự có hại cho cơ thể.
Vậy thì trong lúc chờ các kết luận khoa học chính xác thì chúng ta có nên tiếp tục ăn dầu dừa không? Điều đó tùy thuộc vào bạn tham vấn ý kiến của ai. Hãy cố gắng lắng nghe cơ thể của mình và có thể bạn sẽ là người tiên phong nhận ra đâu là đúng, đâu là sai.