Nếu muốn tránh xa loài người thì đây chính là nơi bạn cần đến

Điểm Nemo: Địa điểm cô độc nhất Trái đất, ngay cả người khám phá ra nó cũng chưa từng đặt chân đến
  •   4,47
  • 4.676

Bạn nghĩ đâu là điểm tách biệt nhất với loài người? Nam Cực ư? Cũng có thể, nhưng có một địa điểm còn bất ngờ hơn thế.

Có đôi khi bạn muốn quên đi tất cả? Khi cuộc sống hàng ngày trở nên quá áp lực, bạn muốn đi thật xa khỏi thế giới? Có vài lựa chọn cho bạn đấy, đừng bất ngờ - Nam Cực chẳng hạn.

Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng sinh tồn trên biển thì không nơi nào thích hợp với bạn hơn điểm cách xa đất liền nhất trên Trái đất, hay còn gọi là "Cực bất khả tiếp cận" - Point Nemo, hay điểm Nemo.

Điểm Nemo thực sự là gì?

Điểm Nemo, hay còn gọi là cực bất khả tiếp cận của đại dương, là địa điểm có tọa độ chính xác là 48°52,6′ Nam 123°23,6′ Tây và đồng thời cũng là địa điểm xa đất liền nhất trong toàn bộ đại dương.

Vùng đất gần điểm Nemo nhất bao gồm đảo Ducie ở phía Bắc, đảo Phục Sinh ở phía Đông và Nam Cực ở phía Nam.

Vị trí của cực bất khả tiếp cận.
Vị trí của cực bất khả tiếp cận.

Điểm Nemo cách xa đất liền đến nỗi, những người thường xuất hiện gần đó nhất chính là các phi hành gia ngoài không gian. Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) có quỹ đạo cách Trái đất tối đa 416km, trong khi vùng đất có người sinh sống trên Trái đất gần nhất cách điểm này 2.700km - là đảo Pitcairn - một hòn đảo của Anh.

Nơi này không có sân bay nên phương tiện di chuyển chỉ có thể bằng tàu. Và với con tàu có tốc độ nhanh nhất bây giờ, cần đến 15 ngày 10h và 37 phút để di chuyển đến đây.

Ai là người đã khám phá ra Điểm Nemo?

Điểm Nemo lần đầu tiên được phát hiện bởi kỹ sư khảo sát Hrvoje Lukatela vào năm 1992. Sau khi khám phá của ông được công bố, địa điểm này mới trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều sự chú ý trên khắp thế giới.

Tên của điểm cực này xuất phát từ một nhân vật trong cuốn sách mà Lukatela vô cùng yêu thích vào thời thơ ấu, đó là Thuyền trưởng Nemo trong cuốn sách “Hai vạn dặm dưới đáy biển" của tác giả Jules Verne.

Có ai đã từng ghé thăm Điểm Nemo chưa?

Thực tế, khả năng có người đến thăm nơi xa xôi này là bằng không, vì ngay cả người đã phát hiện ra nó cũng chưa một lần đặt chân đến đây, tất cả chỉ được thực hiện thông qua chương trình máy tính.

Hơn nữa, theo chuyên gia Steven D'Hondt, điểm Nemo là khu vực có sự sống dưới đáy biển ít đa dạng nhất thế giới. Tại điểm này, không có sự đa dạng về loài, cũng không có bề mặt hay đáy đại dương, khiến nó trở thành một không gian gần như “không tồn tại sự sống".

Điều này xảy ra vì nó nằm ở khu vực có dòng hải lưu Nam Thái Bình Dương, đây là một dòng hải lưu xoay chiều khổng lồ ngăn cản các dòng nước có chứa chất dinh dưỡng tiếp cận khu vực.

"Nghĩa trang không gian" của thế giới

Trong thực tế, điểm Nemo và cả khu vực xung quanh nó khá nổi tiếng đối với các cơ quan vũ trụ.

Cụ thể, các cơ quan vũ trụ của Nga, Châu Âu và Nhật Bản từ lâu đã sử dụng nơi này như một "bãi rác", đơn giản vì nơi này cách rất xa khu dân cư và hiếm khi có tàu thuyền qua lại. Có hơn một trăm tàu vũ trụ ngưng hoạt động đã hạ cánh ở khu "nghĩa trang" này, từ vệ tinh và tàu chở hàng cho đến cả trạm không gian đã ngừng hoạt động Mir.

Đây cũng là nơi yên nghỉ của trạm vũ trụ Mir.
Đây cũng là nơi yên nghỉ của trạm vũ trụ Mir.

Gọi là hạ cánh cho êm đềm chút thôi, thực ra tất cả đều được tính toán để... rơi tự do xuống khu vực này.

Vậy… liệu nơi ấy có sự sống?

Năm 1997, các nhà hải dương học đã ghi nhận được một âm thanh bí ẩn dưới 2000km phía đông điểm Nemo. Phát hiện này vừa khiến người khác phấn khích, vừa mang lại lo sợ. Âm thanh "bloop" thậm chí còn lớn hơn tiếng phát ra từ một con cá voi xanh - dẫn đến một nghi ngờ, liệu nó có được phát ra bởi một loài quái vật biển nào đó?

Tuy nhiên, tiếng "Bloop" đã được xác nhận rằng nó được tạo ra bởi một tảng băng. Khi một tảng băng lớn bị nứt và gãy, nó tạo ra một loại âm thanh tần số thấp, nhưng rất lớn. Những bản thu âm từ các trận tuyết lở cũng cho ra kết quả tương tự với tiếng "Bloop" ấy.

Nếu không phải thuỷ quái, thì có con gì sống được ở đó không?
Nếu không phải thuỷ quái, thì có con gì sống được ở đó không?

Vậy nếu không phải thuỷ quái, thì có con gì sống được ở đó không? Theo nhà hải dương học Steven D’hondt của Đại học Rhodes Island, thì hầu như chẳng được mấy loài.

Ấy thế mà, một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 đã xác nhận rằng có một "bãi rác trên biển" xuất hiện ở đây. Điểm tập trung nhiều rác nhất nằm ở trung tâm, cách Điểm Nemo 1550km về phía Đông Bắc.

Quả nhiên, ngay cả "Cực bất khả tiếp cận" cũng không thoát khỏi dấu tích loài người.

Điểm Nemo là thành phố mất tích R'lyeh thuộc vũ trụ Cthulhu Mythos

Trước khi nguyên nhân của “The Bloop" được giải thích, những người đam mê khoa học viễn tưởng tin rằng có một sinh vật thần bí đang ẩn nấp dưới lòng đại dương. Giả thuyết này được tạo ra dựa trên truyện ngắn mang tên Tiếng gọi Cthulhu (The Call of Cthulhu) của nhà văn H.P. Lovecraft.

Sinh vật thần bí
Những tín đồ của khoa học viễn tưởng tin rằng Điểm Nemo chính là thành phố R'lyeh đã mất tích

Theo những gì được miêu tả, quái vật này có ngoại hình gớm ghiếc do lai tạo giữa nhiều loài vật khác nhau. Gương mặt của nó chứa những chiếc xúc tu của bạch tuộc kết hợp với rồng, trong khi đó, cơ thể của nó lại mang hình dáng con người với kích cỡ khổng lồ.

Trong truyện, con quái vật này sống ở Thái Bình Dương, tại một thành phố mất tích có tên R'lyeh. Trùng hợp nhất là tọa độ của thành phố này (47°09' Nam 126°43' Tây) còn cực kỳ gần với Điểm Nemo và nơi phát ra âm thanh “The Bloop” dù truyện ngắn này được viết trước khi phát hiện ra Điểm Nemo tới tận 64 năm.

Cập nhật: 19/07/2024 Theo helino/tổ quốc
  • 4,47
  • 4.676