Nga sẽ tập trung nghiên cứu các chương trình khám phá Mặt Trăng trong hành trình chinh phục vũ trụ.
Theo kế hoạch, Nga sẽ phóng ba tàu vũ trụ không người lái lên Mặt Trăng và tiến tới thực hiện mục tiêu đưa con người lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
Phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất, trong cuộc đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên của con người năm 1969. (Ảnh: Huffington Post)
"Chúng tôi coi đây là một dự án hợp tác và sẵn sàng kêu gọi sự tham gia của các đối tác để cùng thực hiện", IB Times hôm 27/6 dẫn lời Igor Komarov, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos.
Sao Hỏa là ưu tiên hàng đầu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), còn đối với Nga, sứ mệnh đưa con người khám phá Mặt Trăng giai đoạn 2029-2030 được coi là ưu tiên quan trọng. Điều này loại trừ bất kỳ cuộc đua công nghệ nào giữa hai nước. Ông Komarov khẳng định Nga và Mỹ có thể hợp tác trong chương trình này, đồng thời lệnh trừng phạt đối với Nga không ảnh hưởng đến vấn đề hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Dấu ấn của Nga trong cuộc đua không gian được dánh dấu bằng sự kiện phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 và phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1961. Năm 1974, thiết bị tự hành Lunokhod 1 và Lunokhod 2 đã di chuyển 40 km trên địa hình Mặt Trăng, chụp ảnh toàn cảnh và tiến hành phân tích các mẫu đất. Nhiều năm sau đó, các thiết bị tự hành sao Hỏa mới thực hiện nhiệm vụ tương tự trên hành tinh đỏ.
Mặt Trăng đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tàu Chandrayaan-2 của Ấn Độ dự kiến được phóng lên Mặt Trăng trong hai năm tới, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc cũng có kế hoạch lần lượt vào các năm 2018 và 2020.