Nga đau đầu với chương trình không gian

  •  
  • 1.658

Sau nhiều thất bại liên tiếp, mà mới nhất là vụ phóng tàu tên lửa Soyuz 2-1b, nhiều dấu hỏi được đặt ra với chương trình không gian của Nga.

Báo Anh The Independent mới đây cho biết thủ tướng Nga thất vọng toàn tập về kết quả hoạt động của ngành công nghiệp không gian nước này sau nhiều thất bại liên tiếp, mà mới nhất là vụ phóng tàu tên lửa Soyuz 2-1b.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại cuộc họp nội các vào đầu tuần này đã đưa ra những đánh giá thậm tệ về công việc của ông Dmitry Rogozin, phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng.

Thất bại thứ 10

"Dmitry Rogozin, tôi hi vọng ông hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề này" - ông Medvedev nói thẳng tại cuộc họp nội các.

Các cuộc phóng tàu tên lửa thất bại đã "trở thành những vấn đề lặp đi lặp lại" ở xứ sở bạch dương mà mới nhất là vụ phóng tàu tên lửa Soyuz 2-1b không thành công ngày 28/11.

Phó thủ tướng Rogozin, người chịu trách nhiệm về chương trình không gian của Nga từ cuối năm 2011, đã trở thành tấm bia cho những lời chỉ trích.

Sự cố tàu tên lửa Soyuz 2-1b là vụ thứ 10 xảy ra dưới trào của ông và nó là lời cảnh báo rằng ngành công nghiệp không gian của Nga có thể chỉ cách nguy cơ sụp đổ một quãng ngắn.

Một giờ sau khi phóng tàu tên lửa Soyuz 2-1b, mọi thứ vẫn bình thường. Đây mới chỉ là lần phóng thứ hai tại căn cứ mới - Vostochny ở vùng Viễn Đông nước Nga và các nhân viên đang trong tâm trạng phấn chấn như trong mùa lễ hội.

Tên lửa Soyuz 2-1b được phóng lên quỹ đạo ngày 28/11 nhưng đã rơi xuống Đại Tây Dương
Tên lửa Soyuz 2-1b được phóng lên quỹ đạo ngày 28/11 nhưng đã rơi xuống Đại Tây Dương - (Ảnh: Reuters).

Tàu tên lửa Soyuz 2-1b sử dụng hệ thống đẩy Fregat và mang theo 18 vệ tinh, trong đó có vệ tinh của một số nước khác gửi theo con tàu được cho là vận hành tốt và đáng tin cậy. Con tàu tên lửa này là thế hệ sau của tàu vũ trụ đã đưa Yuri Gagarin vào không gian năm 1961 và đã được cải tiến hàng ngàn lần kể từ đó.

Tàu được phóng lúc 8h45 sáng 28/11, giờ Matxcơva, và ba giờ sau Tập đoàn Roscosmos Nga xác nhận có "bất thường". Trong một tuyên bố, họ cho biết đã mất liên lạc với tàu tên lửa. Sau đó không lâu, một báo cáo cho hay nó đã rơi xuống Đại Tây Dương.

Truyền thông Nga suy đoán có thể hệ thống đẩy Fregat đã góp phần gửi con tàu đi sai quỹ đạo, và cũng có thể là do lỗi của con người trong việc lập trình đường đi của con tàu. Một giả thuyết khác cho rằng con tàu đã được phóng từ một trạm không gian mới, và sự kết hợp của ba yếu tố này đã dẫn đến thất bại.

Tuy nhiên, Pavel Luzin, một chuyên gia trong lĩnh vực vũ trụ và công nghiệp quốc phòng của Đại học Perm State, phản biện rằng những sự cố trước đây thường do lỗi của các bộ phận trên con tàu. Lỗi của chương trình bay ít có khả năng xảy ra hơn.

Tương tự, Aleksandr Zheleznyakov, một chuyên gia về thiết kế và sản xuất tàu tên lửa và hệ thống không gian, nói với The Independent rằng sự cố gợi ra vấn đề yếu kém về chất lượng trong việc sản xuất các bộ phận của tàu tên lửa.

Khủng hoảng có hệ thống

Một ban điều tra do chính phủ thành lập dự kiến đưa ra kết luận trong vòng hai tuần để trả lời chính phủ cũng như những nước đã gửi vệ tinh kèm theo con tàu.

Trong khi chờ đợi, một cuộc tranh luận tiếp tục diễn ra về việc liệu ngành công nghiệp vũ trụ đang gặp khó khăn của Nga có thể sống sót sau thất bại mới nhất, hoặc liệu nó có nên tiếp tục phóng tàu tên lửa.

Theo CNN, trong những năm gần đây, sự tự tin đối với chương trình không gian của Nga đã suy giảm vì những thất bại liên tiếp.

Tháng 4/2015, các nhân viên mặt đất Nga đã mất quyền kiểm soát con tàu vũ trụ không người lái trong một sứ mệnh tiếp tế cho Trạm không gian quốc tế. Con tàu 30 triệu USD đã kết thúc sứ mạng của nó ở Đại Tây Dương.

Tháng 5/2015, một tàu tên lửa Nga mang theo một vệ tinh của Mexico đã gặp sự cố ngay khi vừa được phóng và nổ ở Seberia, khiến dư luận nghi ngờ về độ tin cậy của chương trình không gian Nga. Một số công ty có nhu cầu gửi vệ tinh thương mại vào không gian đã đi tìm đối tác khác.

Ngành không gian là ưu tiên của Chính phủ Nga. Rất nhiều tiền đang được rót vào lĩnh vực này. Trong năm 2017, Nga sẽ chi tiêu một khoản kỷ lục 170 tỉ rúp cho không gian (2,87 tỉ USD).

Tuy nhiên, theo CNN, tiền nhiều cũng là mồi thơm cho những quan chức tham nhũng. Riêng trong năm 2014, Cơ quan không gian liên bang Roscosmos đã thừa nhận vi phạm tài chính 92 tỉ rúp, tương đương 1,8 tỉ USD.

Chạy đua chinh phục không gian

Theo AP, ngày 4/10/1957, Liên Xô lần đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo mang tên Sputnik vào quỹ đạo của Trái đất. Vệ tinh Sputnik khi đó chỉ là một vệ tinh cao 58cm và nặng 84kg có thể truyền tín hiệu vô tuyến về mặt đất. Năm 2017 đánh dấu 60 năm hình thành chương trình này.

Chương trình không gian là sản phẩm ra đời từ những cạnh tranh và căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô mà đỉnh cao là thời kỳ Chiến tranh lạnh sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc đua vào không gian được cho là kết thúc với sự kiện tàu Apollo 11 của Mỹ chở Neil Armstrong và Buzz Aldrin đáp xuống Mặt trăng năm 1969.

Cập nhật: 11/12/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.658