Nga dự định phóng tàu chở người lên trạm vũ trụ Trung Quốc

  •  
  • 199

Cơ quan Vũ trụ Nga đang cân nhắc các phương án đưa phi hành gia lên trạm Thiên Cung từ bãi phóng ở Nga hoặc vùng Guiana thuộc Pháp.

Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, cho biết Nga đang thảo luận với Trung Quốc về việc phóng tàu chở người lên trạm Thiên Cung trong cuộc họp báo tại Hội nghị Khám phá Không gian Toàn cầu (GLEX) ở St. Petersburg, Space hôm 22/6 đưa tin.

Trạm Thiên Cung
Trạm Thiên Cung có thể trở thành điểm đến duy nhất của các phi hành gia ở quỹ đạo Trái Đất thấp trong tương lai. (Ảnh: CAST).

Trạm vũ trụ Trung Quốc có quỹ đạo khác với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), theo Rogozin. "Có thể tiếp cận trạm này từ sân bay vũ trụ Vostochny và Kourou ở vùng Guiana thuộc Pháp. Chúng tôi đã tìm hiểu tính khả thi của việc nâng cấp bệ phóng Soyuz tại sân bay vũ trụ Kourou để phóng các tàu chở người tới trạm Trung Quốc", ông nói.

Trung Quốc đã đưa phi hành đoàn đầu tiên lên Thiên Hà, module lõi của trạm Thiên Cung, bằng tàu Thần Châu 12 và tên lửa Trường Chinh 2F từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền, sa mạc Gobi, hôm 17/6. Các phi hành gia gồm Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo sẽ sống ba tháng trên module Thiên Hà.

Trạm Thiên Cung dự kiến hoàn thành vào năm 2022 và sẽ liên tục có phi hành gia làm việc trong ít nhất 10 năm. Trong tương lai, đây có thể là điểm đến duy nhất ở quỹ đạo Trái Đất thấp cho các phi hành gia quốc tế vì trạm ISS chưa chắc sẽ hoạt động bình thường sau năm 2024. Nga hiện vẫn tham gia vào dự án ISS nhưng đang cân nhắc dừng hợp tác sau mốc thời gian này.

Việc đưa phi hành gia lên trạm Thiên Cung sẽ gặp nhiều thách thức. Các sân bay vũ trụ của Nga nằm ở vĩ độ cao hơn mức có thể dễ dàng tiếp cận trạm Thiên Cung. Độ nghiêng quỹ đạo của trạm này được tối ưu hóa cho các vụ phóng từ Tửu Tuyền. Một lựa chọn khác của Nga là vùng Guiana thuộc Pháp. Cách này đòi hỏi phải điều chỉnh bãi phóng để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu chở người. Nga từng phóng tàu từ đây nhưng chỉ chở vệ tinh. Ngoài ra, nước náy cũng cần cân nhắc khả năng tương thích của các cơ chế ghép nối tàu với trạm vũ trụ.

Trung Quốc có thể phóng tàu chở người từ Tửu Tuyền cho các đối tác quốc tế. Tuy nhiên, để lên tàu Thần Châu, phi hành gia nước ngoài sẽ cần trải qua thời gian dài đào tạo chung và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giống như phi hành gia của NASA, ESA và các cơ quan khác học tiếng Nga để lên trạm ISS bằng tàu Soyuz.

Cập nhật: 25/06/2021 Theo VnExpress
  • 199