Nga lập kế hoạch rút ngắn thời hạn hoạt động của trạm ISS

  •  
  • 493

Ngày 13/5, Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Rogozin cho biết Cơ quan hàng không vũ trụ nước này Roskosmos sẽ rút ngắn thời gian hoạt động của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đến năm 2020 và đệ trình lên chính phủ một chương trình khai thác vũ trụ mới vào mùa hè năm nay.

Ông Rogozin cho biết sau năm 2020, Nga muốn dành nguồn tài chính cho các dự án nghiên cứu vũ trụ khác có triển vọng hơn. Ngoài ra, để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với các cá nhân và doanh nghiệp Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Moskva có thể dừng việc cung cấp và bảo trì các động cơ tên lửa RD-180 và K-33 dùng trong các tên lửa đẩy hạng nặng Atlas-5 cho Mỹ nếu các thiết bị này được Mỹ sử dụng vào mục đích quân sự.

Nga lập kế hoạch rút ngắn thời hạn hoạt động của trạm ISS

Trước đó, trong bối cảnh bất đồng về quan điểm trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) của Mỹ tuyên bố tạm ngừng hợp tác với Nga trừ hợp tác trong dự án ISS, vốn có ý nghĩa không thể thay thế đối với Mỹ trong hoạt động đưa các phi hành đoàn lên không gian.

Vào tháng 1/2014, NASA cho biết muốn gia hạn hoạt động của Trạm ISS trị giá 100 tỷ USD thêm 4 năm sau năm 2020.

Cùng trong lĩnh vực hợp tác an ninh, ông Rogozin còn tuyên bố Nga sẽ dừng hoàn toàn hoạt động của các trạm định vị GPS trên lãnh thổ Nga nếu Mỹ không đồng ý bố trí các trạm truyền tín hiệu GLONASS trên lãnh thổ nước mình.

Washington sẽ có thời gian từ nay đến ngày 31/5 để đưa ra quyết định về vấn đề này. Trong trường hợp Mỹ dừng quyết định bố trí GLONASS thì kể từ ngày 1/6 các trạm định vị của Mỹ sẽ không còn nhận tín hiệu từ tổng cộng 11 trạm định vị đặt tại 10 chủ thể của Nga và 11 trạm này sẽ ngừng hoạt động vĩnh viễn kể từ 1/9 nếu đàm phán với Mỹ không đạt kết quả.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga khẳng định việc dừng hoạt động của 11 trạm này không ảnh hưởng đến dịch vụ định vị dân sự.

Trong phản ứng của mình, NASA cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Nga về thay đổi trong chương trình hợp tác tại ISS và hy vọng hợp tác hai bên sẽ được tiếp tục.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 493