Ngày 28/5, ông Dmitry Rogozin - Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos – cho biết thoả thuận liên chính phủ về hợp tác thành lập Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) giữa Nga và Trung Quốc đã sẵn sàng để ký.
Phác thảo ý tưởng về Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế của Nga và Trung Quốc. (Ảnh: Roscosmos)
“Chúng tôi bây giờ gần như đã sẵn sàng ký một thoả thuận liên chính phủ về việc thành lập một cơ sở nghiên cứu trên Mặt trăng với Trung Quốc”, ông Rogozin nói trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24.
Moscow và Bắc Kinh định lập một cơ sở nghiên cứu chung trên Mặt trăng vào năm 2027. Đó sẽ là cơ sở nghiên cứu được thiết kế cho nhiều mục đích, như khám phá Mặt trăng, quan trắc Mặt trăng, nghiên cứu thí điểm và thẩm định công nghệ.
Trung Quốc có kế hoạch phóng tàu thăm dò Hằng Nga 8 làm bước đầu tiên để thiết lập ILRS. Sứ mệnh này dự kiến sẽ thử nghiệm công nghệ công 3D.
Hiện tại , tàu Hằng Nga 4 và robot tự hành Thỏ Ngọc 2 đang thực hiện các thử nghiệm khoa học trên Mặt trăng. Tàu Hằng Nga 4 thực hiện thử nghiệm với sâu tằm, khoai tây và một cây họ cải, để xem những sinh vật này tăng trưởng như thế nào trên môi trường của Mặt trăng. Tàu Thỏ Ngọc 2 được đưa lên nửa tối của Mặt trăng từ năm 2019, hiện nay đang khám phá miệng núi lửa Von Kármán.
Trạm nghiên cứu chung giữa Nga và Trung Quốc được cho là nỗ lực nhằm đáp trả việc bị loại khỏi Hiệp định Artemis của Mỹ. Hiệp định này đề ra các nguyên tắc, hướng dẫn và cách thực hành tốt nhất cho việc khám phá vũ trụ của Mỹ và các đối tác. Mỹ định trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập hiện diện lâu dài trên Mặt trăng.