Ngạc nhiên cách san hô tự bảo vệ mình trước sự gia tăng nhiệt độ nước biển

  •  
  • 559

Một số loại san hô đang tạo ra “lớp chống nắng” để tự bảo vệ mình trước sự gia tăng của nhiệt độ nước biển - một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Southampton (Anh) cho biết.

Nhiều loại san hô đưa tảo vào các tế bào của mình để giúp cả hai cùng phát triển. Tuy nhiên, chỉ cần nhiệt độ tăng lên 1 độ C cũng có thể gây ra vấn đề cho sự cân bằng trên khiến tảo bị mất đi. Điều này khiến cho bộ khung của san hô tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời thường dẫn đến san hô bị chết. Hiện tượng này gọi là tẩy trắng san hô.

Các nhà nghiên cứu phát hiện san hô phát ra màu sắc để cố gắng khuyến khích tảo quay trở lại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện san hô phát ra màu sắc để cố gắng khuyến khích tảo quay trở lại.

Hiện tượng san hô bị tẩy trắng diễn ra khi nhiệt độ nước đạt 30 - 31 độ C do biến đổi khí hậu. Nó sẽ phải thải ra tảo cộng sinh bên trong các mô của mình vốn đóng vai trò là nguồn thức ăn. Nếu tình trạng nước ấm kéo dài hơn vài tuần, san hô sẽ chết.

Các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm rạn san hô của ĐH Southampton vừa công bố một báo cáo trên tạp chí Current Biology. Họ đã quan sát thấy một số san hô tạo ra "lớp chống nắng" bằng một lớp màu sắc trong thời gian nước nóng lên chút ít hoặc trong thời gian ngắn.

Các rạn san hô đầy màu sắc ở vùng biển New Caledonia năm 2016.
Các rạn san hô đầy màu sắc ở vùng biển New Caledonia năm 2016.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, những màu sắc neon sáng này được phát ra để khuyến khích tảo quay lại. Giáo sư Jorg Wiedenmann giải thích: "Nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng việc tạo ra màu sắc này bao gồm cơ chế tự điều chỉnh, được gọi là vòng phản hồi quang học, với sự tham gia của các đối tác cộng sinh (san hô và tảo)".

"Ở san hô khỏe mạnh, đa số ánh nắng Mặt trời được hấp thụ bởi các sắc tố quang hợp của tảo cộng sinh. 

Khi san hô mất cộng sinh này, ánh sáng dư thừa sẽ vào bên trong mô, được phản chiếu bởi xương san hô trắng. Tuy nhiên, nếu các tế bào san hô vẫn có thể tiếp tục thực hiện ít nhất một số chức năng bình thường của mình, bất chấp áp lực môi trường gây ra hiện tượng tẩy trắng, mức ánh sáng bên trong tăng lên sẽ thúc đẩy việc tạo ra các sắc tố quang học đầy màu sắc. 

Lớp chống nắng này sẽ thúc đẩy sự trở lại của vật cộng sinh" - GS Jorg Wiedenmann cho biết thêm.

Rạn san hô của Great Barrier Reef bị tẩy trắng
Các rạn san hô của Great Barrier Reef đã trải qua 2 sự kiện tẩy trắng liên tiếp vào năm 2016 và đầu năm nay, làm dấy lên mối lo ngại của các chuyên gia về khả năng tồn tại của rạn san hô dưới sự nóng lên toàn cầu.

Tiến sĩ Cecilia D’Angelo, giảng viên sinh học phân tử san hô tại ĐH Southampton nói thêm: "Thật không may, các đợt tẩy trắng san hô toàn cầu gần đây do nước ấm bất thường gây ra đã khiến nhiều san hô chết, làm nhiều rạn san hô trên thế giới phải vật lộn để sinh tồn".

Mới đây, các nhà khoa học tuyên bố tìm ra cách làm san hô chống lại tác động của nước biển ngày càng ấm hơn bằng phương pháp, nuôi các chủng vi tảo mới và cho tiếp xúc với nhiệt độ ấm hơn trong 4 năm.

Sau đó, họ tiêm cho mỗi ấu trùng san hô một chủng vi tảo đó và cho chúng tiếp xúc với nhiệt độ tới 31 độ C trong một tuần. Họ thấy rằng, 3 trong số 10 chủng tảo đã bảo vệ được san hô khỏi bị tẩy trắng.

Cập nhật: 17/06/2020 Theo GD&TĐ
  • 559