Theo một nghiên cứu mới còn đang gây tranh cãi, người Ai Cập bắt đầu xây dựng quần thể kim tự tháp Giza vào ngày 23 tháng 8 năm 2470 trước Công Nguyên.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Ai Cập đã đưa ra ngày tháng chính xác trên dựa theo các tính toán về các lần xuất hiện sao Sothis, tức sao Thiên Lang (Sirius) theo tên gọi ngày nay.
Hàng năm cứ vào mùa lũ sông Nil, Sothis sẽ hiện hữu trên bầu trời buổi sáng sớm sau một khoảng thời gian dài biến mất.
Theo Abdel-Halim Nur El-Din, người từng đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu các Hiện tượng cổ đại của Ai Cập, “sự xuất hiện của ngôi sao này là dấu hiệu sắp bắt đầu thời kỳ nước lũ trên sông Nil.”
Trong lịch sử, “người Ai Cập…thường bắt đầu xây dựng các công trình, lăng tẩm, đền miếu của mình vào đầu mùa nước lũ” - khoảng thời gian được cho là nhiều lộc do các dòng nước mang về phù sa làm tăng độ màu mỡ của đất đai.
Thêm vào đó, các pha-ra-ông luôn bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình vào đầu kì cai trị. Theo Nur El-Din cùng đồng nghiệp, vua Khufu, vị pha-ra-ông có thi hài trong tòa kim tự tháp chính, bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2470 trước Công Nguyên.
Từ đó, các nhà nghiên cứu so sánh lịch hiện đại, lịch Ai Cập cổ đại và chu kỳ của sao Thiên lang để tìm ra ngày chính xác mà ngôi sao này xuất hiện vào năm nói trên.
Nhóm nghiên cứu tin rằng người Ai Cập cổ đã nhìn thấy ngôi sao này từ ngày 17 tới 19 tháng 7, và nước lũ bắt đầu xuất hiện trên sông Nil 35 ngày sau đó, vào 23 tháng 8.
Tranh cãi
Theo Mark Hammergren, một nhà thiên văn học không tham gia vào nghiên cứu, việc theo dõi mùa nước lũ sông Nil hàng năm dựa trên sự xuất hiện sao Thiên lang là đáng tin cậy.
“Nó xuất hiện vào một khoảng thời gian nhất định năm này qua năm khác, tương ứng với một mùa, và do đó nó cho người cổ đại biết ngày chính xác,” ông nói.
Theo một nghiên cứu mới còn đang gây tranh cãi, người Ai Cập bắt đầu xây dựng quần thể kim tự tháp Giza vào ngày 23 tháng 8 năm 2470 trước Công Nguyên. (Ảnh: Kenneth Garrett/NGS) |
Hammergren đồng ý với ngày xuất hiện sao Thiên lang theo tính toán của nhóm Nur El-Din, dựa trên những ước đoán của các nhà nghiên cứu khác trước đó.
Tuy nhiên, Hammergen lưu ý rằng sự xuất hiện của ngôi sao cũng có thể chịu tác động bởi điều kiện thời tiết – vào một số năm, thời tiết không thuận lợi có thể che khuất ngôi sao này trên bầu trời trong những ngày đầu nó bắt đầu xuất hiện.
Mahmoud Afifi, giám đốc khu di tích Giza, cũng băn khoăn về năm lên nắm quyền của vua Khufu.
Niên đại Ai Cập cổ được đưa về 0 vào đầu mỗi thời kỳ trị vì của từng vị vua, khiến việc tính toán các sự kiện cổ đại theo lịch Tây Âu ngày nay rất khó khăn.
Hơn nữa, danh sách các vị vua tính theo thời gian cụ thể không mấy đáng tin cậy, do người Ai Cập cổ đại thường có những động cơ chính trị để thay đổi các dữ liệu lịch sử.
Ví dụ, một vài vị pha-ra-ông không nổi danh có thể không được đưa vào danh sách, và điều này sẽ làm thay đổi ngày tháng cai trị của mỗi vị vua tiếp theo.
Rất nhiều học giả tranh cãi xung quanh năm chính xác vua Khufu lên kế vị ngai vàng, một vài người cho rằng ông bắt đầu cai trị đất nước sớm hơn 139 năm so với ngày mà nhóm Nur El-Din đưa ra.
Ngoài ra, phần thiết kế của tòa kim tự tháp vĩ đại có lẽ đã tiêu tốn một khoảng thời gian chuẩn bị kha khá, Afifi nói, điều này có thể khiến cho thời điểm bắt đầu xây dựng không phải là năm đầu tiên vua Khufu lên nắm quyền.
Bí mật kim tự tháp Giza
Theo Afifi, nhiều vấn đề quanh kim tự tháp Giza vẫn còn nằm trong vòng bí mật. “Chúng ta thậm chí không biết vì sao vua Khufu lại chọn cao nguyên Giza làm nơi xây dựng hầm mộ cho mình, trong khi vua Dashur cha ông nằm cách đó tới 30 km.”
“Có nhiều giả thuyết khác nhau về quần thể kim tự tháp Giza, do nó là kì quan cổ đại duy nhất còn tồn tại trên thế giới hiện nay.”