Ngày này 5 năm trước, một sự kiện đã thay đổi toàn bộ thế giới

  •  
  • 217

Sau nhiều năm, chúng ta không khó để bắt gặp những câu đùa trên Internet rằng nếu phải điểm tên một thành phố đã thay đổi cuộc đời bạn, câu trả lời là Vũ Hán.

Ngày 11/12/2019, thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thông báo về căn bệnh lạ viêm phổi bí ẩn, có nhiều triệu chứng như cúm đầu tiên. Kể từ đó, cả thế giới đã đổi khác.

Năm mới hỗn loạn ở Vũ Hán

Năm 2020 bắt đầu theo một cách kỳ lạ tại thành phố 11 triệu dân Vũ Hán. Nó gần như lập tức biến thành “thành phố ma” chỉ trong vài tuần, đúng vào dịp năm mới, khi người dân phải cách ly ở trong nhà hoặc cố gắng tháo chạy khỏi dịch viêm phổi bí ẩn, gây hoang mang dư luận cực độ vào thời điểm đó.

Đến hiện tại, ngày đại dịch Covid-19 bùng phát và nguồn gốc của nó vẫn chưa thể xác định chính thức. “Bệnh nhân số 0” là ai cũng là một đề tài gây tranh cãi.

Ngày 11/12/2019, một phụ nữ Vũ Hán 57 tuổi, người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh do virus corona có thể là bệnh nhân số 0 trong đại dịch Covid-19, theo SCMP.

Chợ hải sản Hoa Nam - nơi đầu tiên phát hiện ra virus mới
Chợ hải sản Hoa Nam - nơi đầu tiên phát hiện ra virus mới đã thay đổi thế giới theo quá nhiều cách.

Ngày 27/12, một bệnh viện ở Vũ Hán đã thông báo tình hình cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) địa phương. Đến ngày 31/12, CCDC Vũ Hán đã xác nhận một cụm các trường hợp viêm phổi chưa rõ nguyên nhân có liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Đây cũng là ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được chính quyền Trung Quốc cảnh báo về một loạt các trường hợp mắc bệnh viêm phổi bí ẩn.

Vì sự bí ẩn và nguy hiểm chưa thể xác định, cũng như khả năng lây lan giữa người với người, các bệnh nhân được cách ly.

Ngày 9/1/2020, WHO cho biết dịch bệnh ở Vũ Hán là do một loại virus corona chưa từng được biết đến gây ra, khiến người mắc có thể bị từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như hội chứng hô hấp cấp tính nặng.

Ngày 11/1, Cơ quan y tế Trung Quốc báo cáo ca tử vong đầu tiên vì căn bệnh này là một người đàn ông 61 tuổi.

Cùng lúc đó, lệnh hạn chế đi lại được ban hành. Trong thời gian ngắn, nhiều người đã tìm cách tháo chạy khỏi Vũ Hán. Những người ở lại thì cách ly trong nhà, thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Tình cảnh “thành phố ma” của Vũ Hán khiến cả thế giới hoảng sợ và lo lắng vì chưa từng có tiền lệ trong thời gian gần đây. Thế nhưng, virus corona vẫn lây nhiễm nhanh chóng, ban đầu là tại Trung Quốc, sau đó là lan ra toàn thế giới. Từ Vũ Hán, rất nhiều thành phố khác cũng đã bị phong tỏa.

Vũ Hán cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Vũ Hán cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Vũ Hán cuối năm 2019, đầu năm 2020. Đây là thành phố đầu tiên bị Covid-19 tấn công và nổi tiếng trên bản đồ thế giới theo cách không mong muốn.

Các cột mốc quan trọng của đại dịch Covid-19

Vào ngày 23/1/2020, trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra được xác nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Ngày 30/1/2020, tức chỉ khoảng 1 tháng sau khi bệnh được phát hiện và thu hút sự chú ý của thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong bối cảnh có hàng nghìn ca bệnh mới ở Trung Quốc.

Ngày 11/3/2020, WHO chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

Dù có các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp đa dạng để ngăn ngừa sự lây lan của virus, kiểm soát xuất nhập cảnh gắt gao nhưng không có nơi nào Covid-19 không “xâm chiếm”. Quãng thời gian cách ly, phong tỏa, liên tục ghi nhận các ca mắc bệnh và tử vong đã trở thành nỗi ám ảnh của tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, hơn 3 triệu ca nhiễm và hơn 210.000 ca tử vong đã được xác nhận. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Ngày 28/5/2020, Mỹ đã ghi nhận hơn 100.000 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Những đợt bùng phát liên tiếp xảy ra với đỉnh điểm kéo dài từ năm 2020 đến năm 2022 tại toàn bộ 5 châu lục. Có những nơi thực hiện lệnh phong tỏa và cách ly vô cùng nghiêm ngặt như Trung Quốc, cũng có những quốc gia thực hiện biện pháp nhẹ nhàng hơn như châu Âu. Điều quan trọng là dù thế nào, nỗi đau thương, ám ảnh của dịch bệnh đã ảnh hưởng và thay đổi cuộc sống của hầu hết tất cả mọi người trên thế giới. Vaccine trở thành công cụ chống dịch chủ đạo tại nhiều nơi.

Những hình ảnh khiến chúng ta gợi nhớ về "thời kỳ cách ly" đầy hoang mang vài năm trước.
Những hình ảnh khiến chúng ta gợi nhớ về "thời kỳ cách ly" đầy hoang mang vài năm trước.

Dù con số thống kê cụ thể và được công nhận chính thức là câu hỏi bị tranh cãi và sẽ bị bỏ ngỏ, theo Worldometers, tính đến tháng 4/2024, hơn 7 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19. Bên cạnh đó, hơn 700 triệu ca mắc bệnh được ghi nhận.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 15/1/2024, toàn quốc ghi nhận 11.625.195 trường hợp nhiễm Covid-19 và 43.206 trường hợp tử vong.

Covid-19 đã thay đổi chúng ta như thế nào?

Đến cuối năm 2024, Covid-19 dường như đã trở thành một căn bệnh "bình thường mới". Vẫn đang có những người mắc bệnh và những biến thể mới của virus hoành hành, nhưng thế giới đã được bình thường trở lại. Dù trạng thái "bình thường" như trước Covid-19 không bao giờ quay trở lại với một số người, nhất là với những ai đã mất đi người thân yêu vì đại dịch, chúng ta vẫn có thể nói, thử thách quá lớn này đã qua đi.

Sau 5 năm nhìn lại, Covid-19 giống như một cơn ác mộng đã qua. Dù có là người mắc bệnh và chịu ảnh hưởng sức khỏe thể chất từ Covid-19 hay không, cuộc sống của tất cả chúng ta đều đã từng bị thay đổi theo cách không mong muốn.

Những tháng ngày dài mọi người phải cách ly trong nhà, hạn chế đi lại và tiếp xúc với người khác đã tạo ra vô số bệnh nhân trầm cảm, nền văn hóa học tập, làm việc tại nhà (work from home) và ngăn cản hàng trăm triệu học sinh, sinh viên được trực tiếp đến trường. Rất nhiều cuộc gặp gỡ, cơ hội và khoảnh khắc “như bình thường”, “nếu không có Covid-19” đã bị bỏ lỡ.

Những người lớn còn may mắn giữ được công việc của mình phải làm việc tại nhà.
Những người lớn còn may mắn giữ được công việc của mình phải làm việc tại nhà.

Trẻ nhỏ thì tập quen với việc học online.
Trẻ nhỏ thì tập quen với việc học online.

Còn những nhân viên y tế khắp nơi bất chấp nguy hiểm, ngày đêm chống dịch.
Còn những nhân viên y tế khắp nơi bất chấp nguy hiểm, ngày đêm chống dịch.

Ở mức độ rộng hơn, Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, xã hội toàn cầu. Hay nói một cách khác, không có lĩnh vực nào không bị ảnh hưởng, không có cuộc sống của ai không bị thay đổi.

Chúng ta không thể phủ nhận mặt trái của đại dịch đã đẩy nhiều người vào cảnh đau ốm, nghèo đói, mất việc làm và đặc biệt là gánh nặng tâm lý do lo lắng và mất mát, hoặc thậm chí bi kịch hơn nữa là mất đi người thân yêu.

Thế nhưng, những tháng ngày phải chiến đấu và đã chiến thắng Covid-19 cũng đã dạy chúng ta nhiều bài học về tầm quan trọng của sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, tầm quan trọng của sự kết nối và những cách để con người có thể vượt qua những đại dịch không lường trước trong tương lai.

Covid-19 là đại dịch có tác động mạnh mẽ đến toàn cầu mà chúng ta không thể nào quên.
Covid-19 là đại dịch có tác động mạnh mẽ đến toàn cầu mà chúng ta không thể nào quên.

Không giới hạn bởi biên giới, đại dịch đã dạy chúng ta bài học về sự tương thân tương ái và cách mỗi cá nhân có trách nhiệm đối với cộng đồng. Đồng thời, nó cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, giáo dục trực tuyến và dịch vụ y tế từ xa.

Đại dịch Covid-19 đã trở thành một hiện tượng toàn cầu khắc nghiệt, không chỉ làm lung lay nền kinh tế, giao thông vận tải và chuỗi cung ứng toàn thế giới mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, văn hoá và xã hội của con người.

Những thay đổi này không chỉ thách thức sự kiên cường của mỗi cá nhân mà còn buộc các quốc gia phải xem xét lại chính sách y tế và an sinh xã hội của mình, nhằm vững bước phục hồi và đối mặt với bất kỳ đại dịch tiềm ẩn nào có thể đến trong tương lai bất định.

Cập nhật: 11/12/2024 thanhnienviet
  • 217