Ngày trên Trái Đất sẽ dài 25 tiếng do hành tinh quay chậm dần

  •   4,76
  • 7.416

Các nhà khoa học Anh tính toán trong tương lai, một ngày trên Trái Đất sẽ dài 25 tiếng do tốc độ quay quanh trục của hành tinh ngày càng chậm hơn.

Những ghi chép cổ đại của nền văn minh Babylon, Trung Quốc, Hy Lạp và Arab chỉ ra Trái Đất đang quay chậm dần. Qua xem xét ghi chép về hiện tượng thiên thực (gồm nhật thực và nguyệt thực) từ năm 720 trước Công nguyên, các nhà khoa học kết luận cứ sau 100 năm, ngày trên Trái Đất đang trở nên dài hơn gần hai mili giây (0,002 giây), International Business Times đưa tin.

Từ lâu các nhà khoa học đã nhận thấy Trái Đất đang quay chậm lại. Khi hành tinh mới hình thành, một ngày chỉ dài 6 tiếng. Khoảng 200 triệu năm trước, dưới thời khủng long, ngày dài 23 tiếng. Sau 200 triệu năm nữa, các nhà khoa học ước tính ngày sẽ dài 25 tiếng.

Trái Đất quay chậm hơn gần hai mili giây sau mỗi thế kỷ.
Trái Đất quay chậm hơn gần hai mili giây sau mỗi thế kỷ. (Ảnh: YouTube).

Để hiểu chính xác vòng quay của Trái Đất đã biến đổi như thế nào trong vài nghìn năm qua, nhóm nghiên cứu từ Đại học Durham và cơ quan nghiên cứu hàng hải thiên văn HM Nautical Almanac Office của Anh xem xét các ghi chép cổ có niên đại 2.700 năm.

Bắt đầu từ bản ghi chép của người Babylon, nhóm nghiên cứu tìm hiểu cách nền văn minh cổ đại này đo thời gian bắt đầu và kết thúc và xác định địa điểm. Họ sử dụng tài liệu thu thập từ Trung Quốc, Hy Lạp, châu Âu thời Trung Cổ và Arab để tạo ra "danh sách các quan sát đầy đủ nhất từ trước tới nay để nghiên cứu khác biệt trong tốc độ quay của Trái Đất từ năm 720 trước Công nguyên".

Các nhà khoa học so sánh ghi chép này với mô hình vi tính chỉ ra thời gian và địa điểm thiên thực diễn ra cách đây hàng nghìn năm nếu chuyển động quay của Trái Đất không thay đổi. Phát hiện công bố hôm qua trên tạp chí Proceedings of the Royal Society A chỉ ra vòng quay của Trái Đất chậm đi khoảng 1,8 mili giây sau mỗi thế kỷ.

Sự quay chậm này một phần do lực thủy triều. Tốc độ quay của Trái Đất nhanh hơn Mặt Trăng. Lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác động lên thủy triều, làm chậm vòng quay của Trái Đất chậm lại. "Giả định phép đo lực hãm qua thủy triều trong hệ thống Trái Đất - Mặt Trăng - Mặt Trời là chính xác, chúng tôi kết luận chỉ riêng cơ chế này không đủ để giải thích cho tốc độ quay chậm được quan sát trong 2.700 năm qua", nhóm nghiên cứu cho biết.

Cập nhật: 08/12/2016 Theo VnExpress
  • 4,76
  • 7.416