Có một nghịch lý tồn tại suốt nhiều năm qua: người ta thường cho rằng người béo phì thì có sức khỏe không tốt nhưng theo kết quả thống kê thì trớ trêu thay vẫn có nhiều người thừa cân nhưng điều đó giúp họ tránh khỏi khá nhiều chứng bệnh chết người và có tỷ lệ tử vong thấp nhất, thấp hơn cả những người có cân nặng bình thường lẫn gầy. Tại sao vậy? Đó vẫn là ngịch lý chưa có lời giải đáp nhưng dù sao đi nữa, một sức khỏe tốt có thể được đảm bảo bởi lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao phù hợp.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những bệnh nhân mắc các chứng bệnh mãn tính như bệnh tim có xu hướng ăn uống ngon miệng hơn những người khác. Đây có thể là một phát hiện đầy hứa hẹn, cung cấp bằng chứng để đề ra phương pháp điều trị bệnh. Tuy nhiên, có một nghịch lý là yếu tố bảo vệ các bệnh nhân này chính là chất béo: các bệnh nhân đều thừa cân hoặc béo phì dạng nhẹ.
Glenn Gaesser, giám đốc Viện nghiên cứu cuộc sống khỏe mạnh tại viện nghiên cứu Đại học Arizona cho biết: "Béo phì luôn chiếm một chương quan trọng trong những cuốn sách về dinh dưỡng của các chuyên gia tư vấn sức khỏe. Và thông thường, nó cho rằng những người béo thì không khỏe mạnh và người gầy thì khỏe hơn".
Kể từ lúc phát hiện ra điều đầy mâu thuẫn này, các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng tập trung nghiên cứu nó và họ gọi đây là nghịch lý béo phì. Carl Lavie, chuyên gia tim mạch tại Jefferson, Louisiana là một trong những người đầu tiên công bố chính thức nghịch lý này với bình luận rằng: "Người ta nghĩ rằng Điều đó không thể nào xảy ra được. Phải có cái gì đó sai trong dữ liệu thống kê".
Và kể từ đó, hàng tá nghiên cứu đã được tiến hành và xác nhận nghịch lý thừa cân là có tồn tại. Thừa cân bây giờ được tin là giúp bảo vệ các bệnh nhân tránh khỏi danh sách dài và ngày càng tăng những chứng bệnh như viêm phổi, đột quỵ, ung thư, cao huyết áp và tim mạch. Các nhà nghiên cứu cố gắng chứng minh rằng nghịch lý này là do dữ liệu đã bị thống kê sai hoặc lập luận có vấn đề. Và trong khi các nhà khoa học vẫn chưa đồng ý về nghịch lý này với sức khỏe con người, nhiều người vẫn đồng ý với bằng chứng rõ rằng về mặt số liệu này.
Một trong những nhà nghiên cứu không đồng tình với nghịch lý này chính là Katherine Flegal tại Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ. Cùng với các đồng nghiệp, bà đã khảo sát hàng trăm nghiên cứu về tỷ lệ tử vong, lọc ra dữ liệu về chỉ số khối cơ thể (BMI - tính bằng tỷ số giữa cân nặng của 1 người tính bằng kg và bình phương chiều cao của họ tính bằng mét). Những người có BMI cao hơn 25 được xếp vào thừa cân và hơn 30 là béo phì.
Flegal phát hiện rằng những người thừa cân tới béo phì là những người có tỷ lệ tử vong thấp nhất. Mặc dù cũng chính nhóm người này có nguy cơ đột quỵ và một số chứng bệnh khác đe dọa cuộc sống với tỷ lệ cao hơn. Tuy nhiên nhiều yếu tố khác cũng ảnh hướng tới tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch của 1 người. Và có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa cân nặng và nguy cơ mắc bệnh ở những người béo phì nặng. Đấy, nghịch lý rất rõ ràng là béo phì thì mắc bệnh, nhưng họ lại có nguy cơ tử vong thấp hơn.
Mặc dù công việc dựa trên 100 nghiên cứu có sẵn và gần 3 triệu người của Flegal bị nhiều nhà khoa học khác đánh giá là thừa thãi, là không cần thiết nhưng suy cho cùng, nghịch lý ấy vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Một trong những lý giải được chấp nhận phổ biến là những người béo được điều trị tích cực hơn so với người gầy do các bác sĩ luôn đặc biệt quan tâm họ. Tuy nhiên, cách giải thích này vẫn có vấn đề: nghiên cứu trước đây cho thấy người thừa cân và béo phì có xu hướng tránh bác sĩ, từ đó ít nhận được sự chữa trị thích đáng.
Hơn nữa, theo một nghiên cứu dẫn đầu bởi chuyên gia nội tiết tố người Pháp Boris Hansel dựa trên 54.000 bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ và suy tim thì phương pháp chữa trị cho các bệnh nhân này thường là dùng những loại thuốc bảo vệ như satins hoặc beta-blocker để ngăn chặn chất béo. Nhưng những người béo phì nhẹ cũng được điều trị bởi loại thuốc đó dù họ có thật sự dùng hay không.
Một cách giải thích khác cho nghịch lý là người có cân nặng bình thường hoặc gầy lại không được thu nhiều dữ liệu phục vụ nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu biết rằng con người có xu hướng giảm cân nặng vào lúc cuối đời, nhưng không nhận ra rằng họ đang bị bệnh. Hút thuốc lá cũng khiến người ta gầy đi và mang bệnh. Nên đối với nghịch lý trên, có thể các nhà nghiên cứu đã vô tình gộp những người mắc bệnh nguy hiểm và người hút thuốc với những người khỏe mạnh có cân nặng bình thường. Từ đó dẫn tới nhóm người có trọng lượng bình thường lại ít khỏe mạnh hơn người béo.
Tuy nhiên, các bằng chứng củng cố cho lời giải thích trên vẫn còn chưa rõ ràng. Trong một nghiên cứu thực hiện bởi Mercedes Carnethon tại Đại học Northwestern, nhóm đã loại bỏ những người chết trong vòng 2 năm kể từ khi chẩn đoán mắc bệnh để xác định những người bệnh nhưng không biết, dù vậy kết quả vẫn cho thấy những người gầy vẫn có tỷ lệ tử vong cao. Sau đó, bà còn phân tích dữ liệu độc lập giữa những người hút thuốc và không hút thuốc, kết quả vẫn không có thay đổi. Và nghịch lý béo phì vẫn tiếp tục tồn tại.
Một số nhà khoa học đề xuất ý tưởng mang tên Sống khỏe mạnh ở bất kỳ cân nặng nào (Health at Every Size - HES). Theo đó, chỉ cần có hành vi sống lành mạnh, bao gồm cả chế độ dinh dưỡng lẫn hoạt động thể chất, thì điều đó sẽ quan trọng hơn đối với sức khỏe thay vì chỉ xét tới cân nặng.
Điển hình như việc tập thể dục và nghiên cứu do tiến sĩ Paul McAuley tại Đại học Winston-Salem State ở Bắc Carolina đã củng cố cho lập luận này. Ông là một nhà nghiên cứu giáo dục thể chất, người đã dành gần 20 năm để nghiên cứu tác động của luyện tập thể dục tới sức khỏe con người và cuối cùng, ông cho rằng việc dự đoán tình hình sức khỏe phụ thuộc rất nhiều vào việc luyện tập thể thao chứ không phải là chỉ xét riêng đến cân nặng.
Một nghiên cứu khác củng cố cho HES chính là tiếp cận bằng sự giảm cân, nghĩa là có thể dùng giảm cân để giảm cholesterol, huyết áp và nhiều dấu chỉ sinh học trong cơ thể. Linda Bacon, giáo sư ngành dinh dưỡng học tại Đại học California, San Francisco cho rằng: "Chúng ta đang mắc kẹt vào sự thật là con đường duy nhất tiến tới sự khỏe mạnh chính là cân nặng".
Nếu HES là đúng và ngày càng nhiều nghiên cứu ủng hộ nó thì chúng ta có thể nhìn lại và kết luận được lý giải thích hợp cho nghịch lý béo phì. Chúng ta hiện vẫn chưa biết được mối quan hệ phức tạp giữa trọng lượng và sức khỏe. Chúng ta không chắc được nghịch lý béo phì do đâu mà có và làm thế nào để giải thích nó.
Dưới góc độ của một nhà tâm lý học lâm sàng, giáo sư Deb Burgard Los Altos, California, người từng nhiều năm chữa trị cho các bệnh nhân mắc chứng nghiên ăn cho biết: "Có lẽ mọi người đã nghiêm trọng hóa vấn đề. Tôi nghĩ rằng về lý thuyết, chúng ta nên vui vẻ hiểu rằng con người không chết theo cách chúng ta thường hay nghĩ, đó không phải là một kết quả khủng khiếp. Và do đó, những người có cân nặng lớn vẫn ok".
Vậy nghịch lý béo phì cuối cùng vẫn tồn tại, người béo vẫn khỏe thậm chí là khỏe hơn người gầy? Vậy đâu mới là một điều kiện cân nặng hoàn hảo hay điều kiện ấy là không có thật? Tất cả mọi người bất kể cân nặng đều có nguy cơ mắc bệnh tim, người béo bệnh tim đôi khi còn có sức khỏe tốt hơn người gầy bệnh tim. Có chăng khái niệm béo, gầy chỉ là một ý tưởng giả định của con người? Dù sao đi nữa, một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chế độ thể thao phù hợp luôn là cách để chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh hơn dù bất cứ cân nặng nào.