Những món ăn đều có mức giá trên trời, nhưng nghịch lý nằm ở chỗ: vất vả, cầu kỳ là thế, thứ con người sử dụng lại chỉ là một phần nhỏ trong đó thôi.
Bạn có biết những món ăn xa hoa và đắt đỏ nhất thế giới có điểm gì chung không? Ấy là khi thưởng thức chúng, bạn chẳng thể ăn ngập mồm ngập miệng được, mà mỗi món chỉ được một chút thôi. Đúng kiểu "ăn hương ăn hoa" vậy đó.
Điểm chung tiếp theo nằm ở một nghịch lý: bất chấp sự cầu kỳ và gian nan để có được nguyên liệu, thứ con người sử dụng chỉ là một phần nhỏ trong đó thôi. 4 món ăn xa xỉ ở dưới đây chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nghịch lý này.
Niềm tự hào ẩm thực đầy tranh cãi của Pháp vẫn luôn có một chỗ trong thực đơn của các bữa tiệc xa xỉ. Để có được hương vị thanh tao, béo nhẹ, kết cấu mềm mại như lụa, bộ gan làm nên món ăn này không phải là gan ngỗng bình thường, mà là gan của những con ngỗng đã được vỗ béo quá mức.
Mỗi ngày, ngỗng sẽ bị banh miệng ra theo đúng nghĩa đen, sau đó bị cắm thẳng ống vào cổ họng, bơm khoảng 10kg ngũ cốc vào dạ dày. Mỗi ngày, quá trình ăn uống ấy được lặp lại từ 2 - 4 lần.
Món gan ngỗng - niềm tự hào của ẩm thực Pháp.
Kết quả, những con ngỗng trở nên phát tướng đến mức chẳng thể đi được, trong khi lá gan của chúng thì phình to gấp 10 lần.
Tạm bỏ qua vấn đề đạo đức đã gây tranh cãi quá nhiều, ta cần biết rằng hành trình nuôi ngỗng của các nông dân Pháp cũng tương đối gian khổ. Vậy mà khi xuất chuồng, người ta chỉ mổ ngỗng, lấy ra đúng bộ gan mà thôi. Xác ngỗng còn lại sẽ được đưa vào máy nghiền, trở thành thức ăn chăn nuôi.
Nhưng tại sao người ta không đưa xác ngỗng đến các cơ sở lấy thịt? Đơn giản là không thể, bởi vì quá trình nuôi ngỗng lấy gan thực sự quá tàn khốc. Trong các cơ sở nuôi công nghiệp, ngỗng phải chịu đựng trong một không gian chật hẹp, nhớp nháp, bẩn thỉu, điều kiện vệ sinh không có. Hệ quả, ngỗng gặp phải rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe - nhiễm nấm, tiêu chảy, chết bệnh...
Hơn nữa, dù không mắc bệnh, thịt của chúng cũng chứa quá nhiều chất béo, không tốt cho sức khỏe con người. Giải pháp duy nhất là tiêu huỷ, hoặc làm thức ăn chăn nuôi mà thôi.
Là một món ăn chỉ dành cho hoàng gia, vua chúa xưa kia, trứng cá tầm muối (caviar) có đẳng cấp của riêng mình. Từ công đoạn thu hoạch, chế biến, cho đến cách thưởng thức chúng - tất cả đều rất cầu kỳ, nghiêm ngặt.
Trứng caviar đắt và phổ biến nhất thuộc về loài cá tầm Beluga (cá tầm trắng).
Trứng caviar đắt và phổ biến nhất thuộc về loài cá tầm Beluga (cá tầm trắng) - loại trứng đen, có giá lên tới hàng trăm triệu đồng/kg. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc sau khi lấy trứng xong, người ta sẽ làm gì với phần còn lại của con cá không?
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào nguồn gốc của con cá ấy. Nếu là cá đánh bắt ngoài biển thì quá đơn giản: xác cá sẽ được đưa đến các cơ sở chế biến thực phẩm, vì hương vị của thịt cá tầm vẫn luôn được xếp vào hàng cực phẩm.
Nhưng nếu là cá nuôi thì khác. Để đảm bảo lợi nhuận và tính nhân đạo, có khi cá chỉ bị rạch một vết nhỏ, lấy trứng sau đó khâu lại để chuẩn bị cho kỳ sinh nở kế tiếp. Và khi hết hạn sử dụng, cá sẽ buộc phải đưa vào làm thức ăn chăn nuôi, vì thịt cá lúc này chứa dư lượng chất béo quá cao, không phù hợp để làm thực phẩm cho con người.
Súp vi cá gây tranh cãi rất nhiều vì sự tàn nhẫn trong quá trình đánh bắt cá.
Tương tự như trứng cá tầm, súp vi cá mập là một biểu tượng của quyền lực và giàu sang đối với người Trung Quốc. Một món ăn dành cho vua chúa xưa kia, và của người có tiền trong thời đại ngày nay.
Thế nhưng, súp vi cá cũng gây tranh cãi rất nhiều, vì sự tàn nhẫn trong quá trình đánh bắt cá. Bạn biết đấy, để bắt được một con cá mập cũng không phải dễ dàng. Vậy mà với mỗi con cá mập được bắt lên, ngư dân nhanh chóng "gọt" bằng sạch phần vây cá (gồm 2 vây lưng, 2 vây ngực, 3 vây cận đuôi và vây đuôi dưới).
Phần thân còn lại không có giá trị sử dụng, nên bị vứt bỏ xuống biển một cách không thương tiếc. Thậm chí, có những con vẫn còn sống khi bị vứt xuống, chỉ là chúng chẳng thể cục cựa gì được nữa và phải chờ chết mà thôi.
Đã từ rất lâu rồi, những chú cua khổng lồ dài cả mét này được giới nhà giàu sẵn sàng trả giá lên tới hàng chục triệu đồng, mà vẫn chẳng có hàng để bán.
Cũng chẳng phải tự nhiên cua hoàng đế lại đắt như vậy. Số là muốn săn cua hoàng đế, các ngư dân phải trải qua rất nhiều gian nan, vì mùa săn cua là thời điểm biển cực kỳ lạnh và hung dữ.
Thịt cua ngon xuất sắc, nhưng... đắt đừng hỏi.
80% ngư dân bắt cua thiệt mạng do bị cuốn xuống biển hoặc bị giảm nhiệt thân thể. Chuyện thương tích do va đập, tai nạn với máy móc thường xuyên xảy ra. Khi rủi ro và khó khăn lớn, chi phí đương nhiên phải cao hơn, và nó được tính vào giá bán dành cho người tiêu dùng.
Nhưng nghịch lý cũng ở đây mà ra! Vất vả là thế, loài cua này chỉ có chân và càng là ăn được. Đó là 2 bộ phận chứa nhiều thịt, thơm và ngon nhất của con cua. Thân hình của chúng thì trái lại, gần như chẳng có gì cả.
Vậy là con người phải mạo hiểm cả tính mạng chỉ vì 6 cái chân và 2 cái càng cua thôi. Chẳng trách giá cua ngày càng tăng, muốn ăn cũng chẳng được.