Loài người có thể đã sống được đến tuổi 200 nếu không vì một sự kiện gây "tắc nghẽn tuổi thọ" xảy ra với các loài tổ tiên.
Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi tiến sĩ João Pedro de Magalhães từ Đại học Brimingham (Anh) cho thấy loài người và nhiều loài cùng tổ tiên khác đã bị tước bỏ một số gene "trường sinh".
Theo Science Alert, điều này xảy ra với dòng dõi động vật có vú Eutheria, một trong hai nhánh của lớp thú đã được phân tách từ đầu kỷ Phấn Trắng hoặc cuối kỷ Jura.
Không tồn tại song song nhưng khủng long đã giản tiếp tác động đến tuổi thọ của loài người thông qua việc lấn át môi trường sống của các loài tổ tiên - (Ảnh đồ họa: SCITECH DAILY).
Eutheria là tổ tiên của loài người cùng vô số động vật khác đang tồn tại ngày nay. Sinh trưởng trong "kỷ nguyên quái vật" là điều vô cùng bất lợi dòng dõi này.
"Một số loài động vật có vú đầu tiên buộc phải sống ở cuối chuỗi thức ăn và có thể đã trải qua 100 triệu năm trong thời đại khủng long tiến hóa để tồn tại thông qua quá trình sinh sản nhanh chóng" - tiến sĩ de Magalhães cho biết.
Nhưng chúng buộc phải tự loại bỏ một số yếu tố di truyền quý giá "trời sinh".
Những thứ bị loại bỏ bao gồm các enzyme giúp sửa chữa những tổn thương do tia cực tím gây ra. Điều này cũng xảy ra với thú có túi - vốn là con cháu của một nhánh thú khác sống song song với Eutheria.
Điều đó, có thể do chúng phải sống về đêm nhiều hơn để được an toàn hơn. Hậu quả là con người ngày nay phải gắn bó với kem chống nắng để để phòng một loạt vấn đề, bao gồm ung thư da.
Ngoài ra, gene giúp thay răng nhiều lần mà nhiều loài bò sát sở hữu cũng đã bị đánh mất ở động vật có vú. Vì vậy chúng ta đang phải chống chọi với một bộ răng hư hỏng dần ở tuổi trung niên, có thể mất hoàn toàn khi về già.
Nhìn chung, nhiều gene liên quan đến tuổi thọ cao hơn, chống chọi lại một số bệnh tật và giúp duy trì sức khỏe khi cao tuổi đã bị loại bỏ vì ưu tiên sống còn.
Những thiệt thòi này dẫn đến một lợi ích quan trọng hơn vào kỷ Phấn Trắng hoang dã: Động vật có vú có bộ gene "gọn gàng" hơn nên có khả năng trưởng thành nhanh, sinh sản nhiều hơn.
Nhờ đó chúng có thể dùng "dân số" đông đúc để bù đắp việc bị quá nhiều loại động vật lớn hơn săn đuổi, tiêu diệt, lấn át môi trường sống trong suốt 100 triệu năm chung sống với khủng long
Nhỏ bé nhưng linh hoạt, động vật có vú đã tồn tại qua kỷ nguyên quái vật, thậm chí sống sót sau "đại tuyệt chủng khủng long" 66 triệu năm trước, dù đoản mệnh.
Nghiên cứu này cũng giúp hiểu thêm các yếu tố đằng sau sự lão hóa, mở đường cho một loạt nghiên cứu trong việc chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác, bao gồm chứng mất trí nhớ, đột quỵ, nguy cơ ung thư cao hơn các loài khác...
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học BioEssays.