Theo một nghiên cứu của Đại học New South Wales (Australia), số cá thể chim trên thế giới là khoảng 50 tỷ con, nhiều gấp 6 lần số cá thể người.
Loài vẹt cầu vồng ở Australia có hàng triệu cá thể đang sinh sống. (Ảnh: Guardian).
Các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (Australia) đã thực hiện một nghiên cứu quan sát để ước tính số cá thể hiện có của gần 10.000 loài chim trên thế giới. Kết quả cho thấy số cá thể chim là khoảng 50 tỷ con, nhiều gấp 6 lần số cá thể người, Guardian đưa tin.
Trong đó, có bốn loài chim mà các nhà nghiên cứu miêu tả là “câu lạc bộ tỷ cá thể”, do chúng có số cá thể ước tính hơn 1 tỷ. Các loài này là chim sẻ, chim sáo châu Âu, mòng biển mỏ vành khuyên và chim én.
Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 9.700 loài chim, sử dụng dữ liệu quan sát của eBird, một dự án khoa học cộng đồng.
Dựa theo kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cũng nhận thấy số lượng loài chim quý hiếm nhiều hơn hẳn số lượng loài chim thông thường. Nhà sinh thái Will Cornwell từ Đại học NSW cho biết: “Các loài chim trở nên quý hiếm vì cả lý do tự nhiên lẫn lý do liên quan đến con người”.
Ông Cornwell hy vọng nghiên cứu này giúp lập biểu đồ các loài chim. Từ đó, loài người sẽ biết những loài nào đang bị suy giảm và cần được bảo tồn.
Giám đốc Sean Dooley của công ty BirdLife Australia đã cung cấp dữ liệu cho chương trình này. Theo ông Dooley, nghiên cứu trên đã chứng tỏ những nỗ lực của người dân khi đóng góp cho kiến thức khoa học.
“Việc chúng ta tiếp tục làm điều này là hết sức quan trọng. Chúng ta đều biết động vật hoang dã đang biến mất. Do đó, việc xác định số lượng các loài động vật là cần thiết”, ông Dooley nhận định.