Các chuyên gia Úc đang nghiên cứu giai đoạn tiền sử của hệ mặt trời, trong nỗ lực tìm hiểu những sự kiện dẫn đến sự khai sinh của ngôi sao trung tâm của hành tinh chúng ta.
Mặt trời được sinh ra cùng lúc với nhiều ngôi sao khác trong cùng một “vườn ươm” sao - (Ảnh:Shutterstock)
Một mhóm các nhà khoa học, do tiến sĩ Maria Lugaro và giáo sư Alexander Heger của Đại học Monash (Úc) dẫn đầu, đã sử dụng phóng xạ để xác định thời điểm cuối cùng mà các nguyên tố kim loại nặng như vàng, bạc, platinum, chì và các nguyên tố đất hiếm, có nguồn gốc từ các ngôi sao khác, đã được bổ sung vào kho vật chất của hệ mặt trời.
“Sử dụng phóng xạ hạt nhân kim loại nặng có trong các tiểu hành tinh để xác định thời điểm gia nhập cuối cùng của chúng, chúng tôi đã có được thông tin rõ ràng hơn về thời tiền sử của hệ mặt trời”, theo chuyên gia Lugaro.
Theo đó, các chuyên gia biết được đợt bổ sung 1% cuối cùng của vàng, bạc, platinum vào kho vật liệu của hệ mặt trời đã diễn ra trước khi mặt trời ra đời khoảng 100 triệu năm.
Còn 1% cuối cùng đến từ chì và các kim loại đất hiếm được thêm vào khoảng 30 triệu năm trước thời điểm trên, theo báo cáo trên chuyên san Science.
Vài chục triệu năm sau đó, vật chất của hệ mặt trời tiến vào giai đoạn “ấp trứng”, trong giai đoạn này vườn ươm phôi sao hình thành, cũng là nơi mặt trời được sinh ra cùng với các ngôi sao khác.